Đài phun nước Bốn dòng sông
Đài phun nước Bốn dòng sông (Fontana dei Quattro Fiumi) được xây dựng vào thế kỷ XVII, tọa lạc tại quảng trường Piazza Navona. Đây là công trình đỉnh cao mang dấu ấn đậm nét của nhà điêu khắc tài ba Lorenzo Bernini và là kiệt tác đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật Baroque.
Toàn bộ đài phun nước được làm bằng đá cẩm thạch, tạc tượng 4 vị thần trong truyền thuyết cai quản 4 con sông lớn nhất trái đất là sông Hằng ở châu Á, sông Danube ở châu Âu, sông Nile ở châu Phi và sông Río de la Plata ở Mỹ. Thần sông Danube đại diện cho châu Âu giơ 2 tay và chạm vào biểu tượng của giáo hoàng, giống như đón chào vinh quang của chúa trời. Thần sông La Plata - đại diện cho châu Mỹ, dưới hình tượng ông lão trọc đầu, tỏ vẻ kinh ngạc đưa tay trái ra, tượng trưng cho việc châu Mỹ lúc đó là châu lục mới được tìm thấy. Hướng cơ thể ra phía ngoài với vẻ mặt bình tĩnh là vị thần sông Hằng biểu tượng cho châu Á. Vị thần này cầm mái chèo trên tay, thể hiện sự rộng lớn của lưu vực sông Hằng. Cuối cùng là thần sông Nile đại diện cho châu Phi với cánh tay trái kéo khăn vải trùm đầu căng ra xa, mang ý nghĩa nguồn gốc sông Nile bí ẩn còn cần khám phá.
Đài phun nước Trevi
Đài phun nước này nằm ở quảng trường Trevi, được thiết kế bởi kiến trúc sư người La Mã Nicola Salvi, xây dựng năm 1732 và đến năm 1762 thì hoàn thành. Ở Trevi có truyền thuyết là khi tung đồng xu xuống nước thì bạn sẽ thực hiện được điều ước của mình và quay lại Rome thêm một lần nữa.
Trevi bắt nguồn từ Tre Vie (Ba con đường) vì đài phun nước này nằm ở chỗ giao nhau của ba con đường Via Dei Crocicchi, Via Poli và Via Delle Muratte. Ở trung tâm của đài phun nước là tượng thần biển cả La Mã Neptune đang đứng trên chiến xa được kéo bởi hai con ngựa biển. Tượng bên trái cổng vòm có tên Abundance, tượng trưng cho sự giàu có, sung túc của Rome. Tượng bên phải được đặt tên là Health, tượng trưng cho sức khỏe dồi dào. Trevi cũng là một kỳ quan kiến trúc của trường phái nghệ thuật Baroque và được mệnh danh là đài phun nước đẹp nhất ở Rome.
Gửi phản hồi
In bài viết