Mô hình thâm canh chè thoát nghèo của hộ chị Trần Thị Non, thôn 1 Làng Bát, xã Tân Thành.
Hàng năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn rà soát, đánh giá, phân tích các nguyên nhân dẫn tới nghèo. Theo báo cáo phân tích, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến nghèo là không có vốn sản xuất kinh doanh, không có phương tiện sản xuất, không biết làm ăn, không có kỹ năng lao động, sản xuất…Xác định được đây là những nguyên nhân chính dẫn tới nghèo, huyện đã tập trung tháo gỡ những khó khăn về vốn, kỹ năng sản xuất cho hộ nghèo. Các tổ chức tín dụng, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện đã tạo thuận lợi để người dân được vay vốn phát triển sản xuất. Từ năm 2022 đến nay, huyện đã giải ngân trên 57 tỷ đồng cho 963 hộ nghèo vay vốn.
Đồng chí Phạm Thị Ngọc Quỳnh, Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện cho biết, chỉ tính từ đầu năm 2023, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân vay vốn đối với 256 hộ nghèo số tiền trên 15 tỷ đồng để phát triển kinh tế. Qua đánh giá, hộ nghèo đã tận dụng hiệu quả nguồn vốn cho vay để vươn lên thoát nghèo.
Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên thăm mô hình thoát nghèo từ nuôi bò sinh sản của hộ dân tại thôn 1 Làng Bát, xã Tân Thành.
Năm 2020, gia đình anh Hoàng Văn Thể, thôn 1 Làng Bát, xã Tân Thành là hộ nghèo và được vay 50 triêu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để trồng, chăm sóc và cải tạo 1 ha chè. Sau 1 năm nỗ lực làm chè, gia đình anh đã trả được nợ và được công nhận thoát nghèo. Tiếp đó, gia đình anh được Ngân hàng CSXH huyện hỗ trợ vay 50 triệu đồng để chăn nuôi bò sinh sản. Từ số tiền này, anh đã đầu tư mua 3 con bò, đến nay, đàn bò của gia đình anh đã sinh sản được 6 con, nâng tổng số đàn bò lên 9 con. Anh Thể cho biết: “Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH đã tạo điều kiên cho gia đình anh có động lực và vốn liếng để vươn lên thoát nghèo”.
Cùng trong thôn, gia đình chị Trần Thị Non cũng thoát nghèo năm 2022 nhờ vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để đầu tư thâm canh 3 ha chè. Chị đầu tư cải tạo giống chè, cải tạo đất để tăng năng suất, sản lượng của chè. Mỗi năm, gia đình chị thu nhập 250 triệu từ chè, trừ chi phí còn lãi trên 100 triệu đồng. Chị Âu Thị Hường, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Thành cho biết, hàng trăm hội viên phụ nữ được vay vốn để phát triển kinh tế đã vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống.
Bên cạnh việc hỗ trợ vay vốn đối với hộ nghèo, huyện Hàm Yên còn quan tâm đẩy mạnh công tác tập huấn, hướng dẫn, mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi đối với hộ nghèo, cận nghèo. Đồng chí Hà Xuân Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện cho biết, công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật của Trung tâm từng bước được đổi mới theo hướng tập huấn, chuyển giao những kỹ thuật mà nông dân đang cần, đang yếu, đang thiếu và đúng trọng tâm, trọng điểm, tập huấn xong nhân dân phải triển khai và nhân rộng được trong thực tiễn sản xuất.
Dưa chuột của người dân xã Thành Long (Hàm Yên) được tập kết để thương lái thu mua.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm đã mở 153 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Trong đó, tập trung chuyển giao khoa học xây dựng các mô hình khuyến nông có giá trị kinh tế cao, chuyển đổi giống cây trồng, hình thành các chuỗi cung ứng liên kết sản xuất nông nghiệp có quy mô cho người dân. Việc đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp đã góp phần làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của hộ nghèo theo hướng năng động.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Hàm Yên đã hình thành nhiều chuỗi liên kết hàng hóa hiệu quả, điển hình là chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ dưa chuột. Từ chuỗi liên kết này đã giúp nhiều hộ nghèo tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống. Đồng chí Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch UBND xã Thành Long chia sẻ, toàn xã hiện có 14 ha dưa chuột, sản phẩm dưa chuột được bao tiêu đầu ra 100% cho bà con. Hiệu quả kinh tế của chuỗi liên kết trồng dưa chuột cao gấp 3 lần so với trồng lúa. Một năm bình quân, nhân dân thu hoạch 3 vụ dưa chuột, mỗi vụ bình quân thu 1,5 đến 1,8 tấn/ sào, thu lãi từ 6 đến 8 triệu đồng/ sào. Nhờ chuỗi liên kết trồng, bao tiêu sản phẩm dưa chuột, nhiều hộ nghèo ở Thành Long đã tăng thêm thu nhập, có vốn đầu tư cho sản xuất.
Huyện Hàm Yên còn là điểm sáng trong triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 03 của HĐND tỉnh về hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện đã giải ngân trên 6 tỷ đồng để hỗ trợ ghép cải tạo vườn cây ăn quả, tưới tiên tiến tiết kiệm nước, thành lập hợp tác xã, xây dựng đường bê tông ngõ xóm…
Nỗ lực tạo sinh kế giảm nghèo cho hộ nghèo đã góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Hàm Yên thời gian qua. Từ chỗ có gần 7 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 21,42% vào đầu năm 2022, đến nay đã giảm 2.210 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo còn trên 14%. Tạo sinh kế để khơi dậy tinh thần chủ động, tự lực của người dân thoát nghèo tiếp tục được huyện Hàm Yên tập trung trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết