Đường bê tông thôn Xít Xa, xã Minh Khương (Hàm Yên) vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng đầu năm 2022.
Con đường đến thôn Cao Phạ, xã Minh Khương giờ không còn gập ghềnh đất đá như trước. Anh Trần Văn Mong, Trưởng thôn Cao Phạ cho biết, thôn cách trung tâm xã hơn 4 km, trước đây tuyến đường liên thôn, đường vào khu sản xuất của người dân trong thôn nhỏ, hẹp, dốc đá gồ ghề... dẫn đến việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân gặp nhiều khó khăn. Mặc dù kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng người dân đã đồng thuận vào cuộc chung sức làm đường.
Trên cơ sở họp thôn bàn bạc, vận động, thôn có 12 hộ tự nguyện hiến hơn 6.800 m2 đất sản xuất giúp thôn mở rộng tuyến đường dài 1,6 km từ thôn Cao Phạ đến thôn Gốc Sảng. Điển hình như gia đình anh Triệu Văn Pham hiến 1.500 m2 đất, Triệu Văn Chòi hiến 1.105 m2 đất, Đặng Văn Phẩm hiến 650 m2 đất... Đặc biệt, trong 12 hộ dân hiến đất có 4 hộ dân thuộc diện nghèo và cận nghèo của thôn. Ngoài ra các hộ chủ động chặt hạ nhiều cây cối, hoa màu, kiến trúc khác để triển khai thi công đường; tham gia đóng góp ngày công xây dựng.
Gia đình anh Triệu Văn Pham là hộ cận nghèo nhưng hiến nhiều đất nhất để làm đường ở thôn Cao Phạ. Anh Triệu Văn Pham, dân tộc Dao chia sẻ, trước đây, khi chưa có đường bê tông, việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của người dân rất khó khăn, bị thương lái ép giá, ảnh hưởng đến thu nhập. Được cán bộ thôn, xã vận động, hiểu được tầm quan trọng của tuyến đường trong việc đi lại, phát triển sản xuất nên anh đã bàn bạc với gia đình tự nguyện hiến 1.500 m2 đất để làm đường. Diện tích đất này, gia đình anh chủ yếu trồng mía, trồng cam. Có đường giao thông thuận lợi, giúp việc sản xuất, tiêu thụ nông sản, nhất là cam được thuận lợi hơn, giá bán cao hơn những năm trước.
Ngân hàng BIDV trao tài trợ xây dựng công trình biển chỉ dẫn giáp ranh cho thôn 4 Minh Phú, xã Yên Phú (Hàm Yên).
Đến xã Tân Thành hôm nay, ấn tượng đầu tiên là những tuyến đường đất lầy lội, bụi mịt mù ngày nào đã được thay thế bằng đường bê tông phẳng lỳ, rộng rãi. Đồng bào người Tày, Dao, Kinh nơi đây đoàn kết, bảo ban nhau chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa... Đồng chí Đỗ Hữu Ngọc, Chủ tịch UBND xã Tân Thành cho biết, giai đoạn từ 2016 đến nay, Tân Thành đã huy động được hơn 3,3 tỷ đồng vốn xã hội hóa xây dựng gần 12 km đường giao thông. Bên cạnh đó, xã có 195 hộ hiến hơn 9.300 m2 đất để làm đường giao thông, nhà văn hóa thôn, trường học. Điển hình như gia đình các ông: Nông Văn Luyến, thôn 3 Thuốc Hạ hiến trên 1.200 m2 đất vườn; Trần Văn Lanh, thôn 4 Việt Thành hiến trên 300 m2 đất vườn; Triệu Văn Vàng, thôn 2 Việt Thành ủng hộ 20 triệu đồng mua cát sỏi, tham gia ngày công xây dựng đường bê tông...
Xã hội hóa làm nhà ở cho hộ nghèo, huyện Hàm Yên chú trọng nhiều cách làm hiệu quả. Từ đó đã nhận được sự hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng gần 1.200 nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng kinh phí hỗ trợ là hơn 40 tỷ đồng. Trong đó, Ngân hàng VietinBank hỗ trợ gần 6 tỷ đồng, Ngân hàng BIDV hơn 6 tỷ đồng, Ngân hàng Agribank 2,5 tỷ đồng...
Anh La Văn Hưng, thôn 1 Thái Thủy, xã Thái Sơn không giấu được niềm vui vì giờ đây gia đình anh được ở trong ngôi nhà khang trang, vững chãi. Anh Hưng chia sẻ, nhiều năm qua, gia đình anh phải sinh sống trong ngôi nhà tạm, dột nát, ẩm thấp, chật hẹp. Mùa hè thì oi bức, mùa đông thì gió rét, mơ ước có được ngôi nhà mới khang trang đối với anh là điều gì đó rất xa vời. Nhưng điều đó đã đến, khi vừa qua, từ số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng của Ngân hàng VietinBank cùng sự giúp đỡ của anh em họ hàng, ngôi nhà mới của gia đình anh đã được hoàn thiện. Có nhà ở khang trang giúp gia đình anh Hưng có thêm động lực, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế.
Người dân thôn 3 Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên) có nguồn thu nhập cao từ cây chè.
Một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn và đi đầu trong chung sức cùng huyện xây dựng nông thôn mới là Ngân hàng BIDV Tuyên Quang. Ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc BIDV Tuyên Quang cho biết, trong năm 2021, BIDV Tuyên Quang đã hỗ trợ huyện Hàm Yên trên 6,25 tỷ đồng xóa nhà ở tạm, dột nát cho hộ nghèo. Cuối tháng 5 vừa qua, BIDV đã tài trợ 65 triệu đồng hỗ trợ xã Yên Phú xây dựng 1.500 m công trình thắp sáng đường quê; lắp đặt 40 biển chỉ dẫn giáp ranh các thôn. Trong thời gian tới, BIDV sẽ tiếp tục ủng hộ, giúp đỡ huyện Hàm Yên hoàn thành các chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Hàm Yên thời gian qua đã tạo nên sự thay đổi tích cực, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đồng chí Đỗ Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng nông thôn mới là sự đồng thuận của nhân dân. Việc huy động nguồn đóng góp của nhân dân phục vụ xây dựng nông thôn mới được thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng thụ” với sự huy động đúng mức, đảm bảo công khai, dân chủ đã khơi dậy nguồn lực và sự chủ động tham gia của người dân vào việc kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ năm 2016 đến nay, Hàm Yên đã huy động từ xã hội hóa được trên 234,6 tỷ đồng, chiếm 26% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới.
Từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước, huyện đã đầu tư, cải tạo hơn 330 km giao thông nông thôn, gần 150 km kênh mương, 9 nhà văn hóa xã, 167 nhà văn hóa thôn được nâng cấp, xây mới; cải tạo, xây mới 73 trường học... Đời sống người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao; thu nhập bình quân của người dân đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 8,57%. Hiện huyện có 8/16 xã đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2022 phấn đấu có 3 xã về đích nông thôn mới và đến năm 2025 đạt huyện nông thôn mới.
Với sự vào cuộc, chung sức của toàn xã hội và sự đóng góp tích cực của người dân, doanh nghiệp, Hàm Yên đang được tiếp thêm nguồn lực, phấn đấu về đích nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.
Gửi phản hồi
In bài viết