Niềm vui đầu năm học mới
Trong những ngày đầu năm học mới, em Doãn Hoàng Nhật ở xóm 17, xã Kim Phú (TP Tuyên Quang) rất háo hức. Năm nay Nhật bước vào lớp 6 nên dù phải đi xa hơn năm học trước nhưng em rất vui vì vừa được bố mẹ mua cho chiếc xe đạp mới. Linh cho biết, với món quà này em sẽ cùng các bạn đến trường đúng giờ. Em sẽ cố gắng để học tập thật tốt, cố gắng đạt danh hiệu học sinh giỏi để bố mẹ, ông bà vui lòng.
Tại xã vùng cao Thượng Nông (Na Hang), công trình Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Thượng Nông được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng vào đúng dịp đầu năm học mới 2023 - 2024 khiến niềm vui như được nhân đôi. Các lớp học, nhà bếp và các công trình phụ trợ khang trang, rộng rãi sẽ tạo thuận lợi để thầy và trò nhà trường nâng cao chất lượng dạy và học. Thầy giáo Trần Thanh Chiến, Hiệu trưởng nhà trường phấn khởi nói, năm học 2023 - 2024 nhà trường có tổng số 28 lớp với gần 800 học sinh, học tại 1 điểm trường chính, 4 điểm trường lẻ.
Trường Tiểu học thị trấn Na Hang tổ chức chào đón học sinh lớp 1.
Năm học này nhà trường đưa vào sử dụng điểm trường chính với 12 phòng học khối tiểu học và 8 phòng học khối THCS, 16 phòng ở cho học sinh bán trú và 1 bếp ăn. Nhờ được đầu tư xây dựng trường mới đã giúp nhà trường giảm được 6 lớp so với kế hoạch do đưa toàn bộ học sinh lớp 3, lớp 4 và lớp 5 các điểm trường lẻ về học tại điểm trường chính. Từ đó, giúp tập trung cơ sở vật chất, nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục.
Niềm vui đã đến đối với thầy và trò trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hùng Đức (Hàm Yên) khi trong thời gian qua nhiều công trình như trường, lớp học, ký túc xá... đã được đầu tư xây dựng, nâng cấp khang trang, đáp ứng yêu cầu dạy và học trong năm học mới. Cô giáo Khổng Thị Thái, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, việc Nhà nước và tỉnh quan tâm đầu tư cơ sở vật chất đã giúp tạo động lực để nhà trường đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, tỷ lệ học sinh khá và giỏi ngày càng tăng. Nhà trường rất vui mừng khi được công nhận đạt chuẩn quốc gia và đón nhân danh hiệu này đúng dịp khai giảng năm học mới 2023 - 2024. Đây là động lực rất lớn để thầy và trò nhà trường quyết tâm triển khai, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2023 - 2024. Theo đó, chủ đề của năm học mới là “Đoàn kết, kỷ cương, sáng tạo, tiếp tục đổi mới theo chiều sâu, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Trong đó, toàn ngành tiếp tục đổi mới công tác quản lý nhà nước về giáo dục; triển khai thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên; thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, thực hiện quy hoạch, phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục; ưu tiên phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú; thực hiện rà soát, xóa điểm trường lẻ, sát nhập trường có quy mô nhỏ để tập trung nguồn lực đầu tư; đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo điều hành và trong hoạt động dạy và học...
Nét mới của năm học 2023 - 2024 là thực hiện thay sách giáo khoa đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Đồng thời đây cũng là năm ngành Giáo dục triển khai thử nghiệm Chương trình giáo dục mầm non mới.
Phụ huynh, học sinh mua đồ dùng năm học mới tại một siêu thị ở thành phố Tuyên Quang.
Đồng chí Chẩu Văn Giai, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình cho biết, năm học 2023 - 2024, toàn huyện có tổng số 470 lớp học ở các cấp bậc học với trên 12.700 học sinh. Nhờ được đầu tư xây dựng mới và sửa chữa các phòng học, nhà hiệu bộ mới đã giúp các trường học bố trí, sắp xếp hợp lý công tác giảng dạy trong năm học mới này. Đây là năm học thứ 4 thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 do vậy, ngành đã tăng cường công tác tuyên truyền đến cán bộ, giáo viên và học sinh, phụ huynh và các tầng lớp Nhân dân để tạo sự đồng thuận, triển khai thực hiện hiệu quả chương trình.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023 - 2024, toàn tỉnh có 460 trường từ bậc mầm non đến THPT với khoảng gần 230.000 học sinh. Sở đã tổ chức triển khai nhiệm vụ năm học mới đến các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học các bậc học.
Sở và các Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu với UBND tỉnh và các huyện, thành phố bố trí kinh phí, huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, nâng cấp trường lớp học, trang cấp thiết bị cho các nhà trường; đặc biệt quan tâm đến các trường trong lộ trình đạt chuẩn quốc gia, trường phổ thông dân tộc nội trú, các trường có học sinh bán trú, trường ở vùng khó khăn. Đồng thời tiếp tục thực hiện việc giao chỉ tiêu đến các cơ sở giáo dục, quyết tâm thực hiện “học thực, thi thực, chất lượng thực”...
Cô giáo Hà Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT tỉnh cho biết, năm học 2022 - 2023 khép lại với nhiều kết quả nổi bật nhà trường đã đạt được như: tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp và điểm trung bình môn đứng thứ 2 toàn tỉnh, 100% học sinh thi đỗ đại học, nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học tốp đầu cả nước. Nhà trường là một trong 6 đơn vị toàn ngành Giáo dục được công nhận danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.
Đây là niềm vinh dự đồng thời tạo động lực để nhà trường đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho con em các dân tộc trên địa bàn tỉnh, cố gắng nâng cao tỷ lệ học sinh khá giỏi, điểm trung bình kỳ thi tốt nghiệp THPT, phấn đấu có học sinh vào đội tuyển đi thi học sinh giỏi quốc gia...
Với việc chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cho năm học mới và “khởi động” những ngày học đầu tiên diễn ra suôn sẻ với tỷ lệ chuyên cần cao, chắc chắn các trường học trên địa bàn tỉnh đang hướng đến một năm học mới với quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra trong năm học.
Gửi phản hồi
In bài viết