![]() |
Bức ảnh được chụp vào ngày 25/3/2025 cho thấy đám cháy rừng lan rộng đến các ngôi làng địa phương ở Andong, tỉnh Bắc Gyeongsang, Hàn Quốc.(Ảnh: Tân Hoa xã) |
Sở Cứu hỏa tỉnh Gyeongsang Bukdo (Geyeongbuk) nhận được thông báo có khói bốc lên ở khu vực Andon, cách thủ đô Seoul 190km về phía Đông Nam, từ khoảng 22 giờ ngày 28/3. Cơ quan kiểm lâm cho biết thêm lửa bùng phát trở lại vào khoảng 3 giờ sáng 29/3. Cháy rừng cũng bùng phát trở lại ở một số khu vực khác trong tỉnh này.
Đoạn đường cao tốc gần khu vực này đã tạm thời bị phong tỏa trong khoảng thời gian từ 5 giờ-9 giờ (theo giờ địa phương). Do các phương tiện đường bộ không thể tiếp cận khu vực núi non, lực lượng cứu hỏa đã triển khai 11 máy bay trực thăng tới dập lửa ở Andong. Chính quyền địa phương cũng triển khai hàng chục máy bay trực thăng hơn 230 lính cứu hỏa và nhân viên công vụ, 50 binh sĩ tới dập các đám cháy.
![]() |
Một chiếc trực thăng dập lửa ở tỉnh Nam Gyeongsang, Hàn Quốc, vào ngày 26/3/2025. (Ảnh: Tân Hoa xã) |
Trước đó, trong chiều 28/3, lực lượng cứu hỏa vừa thông báo đã kiểm soát được các đám cháy rừng ở tỉnh Gyeongsang Bukdo, vốn đã gây thương vong cho hàng chục người và buộc hàng nghìn người phải đi sơ tán.
Ước tính khoảng 48.000 ha rừng, tương đương 80% diện tích thủ đô Seoul, đã bị giặc lửa thiêu rụi trong đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử Hàn Quốc.
Theo thống kê của Cơ quan an toàn và phòng chống thiên tai trung ương, tính đến sáng 29/3, cháy rừng đã cướp đi sinh mạng của 29 người, làm bị thương 41 người, trong khi vẫn còn 6.885 người thuộc 4.193 hộ gia đình vẫn chưa thể quay về nhà sau khi đi sơ tán.
Cơ quan Quản lý di sản quốc gia Hàn Quốc cũng vừa công bố báo cáo đánh giá thiệt hại nghiêm trọng về di sản văn hóa sau thảm họa cháy rừng kéo dài một tuần tại khu vực miền đông nam nước này. Theo đó, 30 di sản văn hóa đã bị ảnh hưởng, trong đó có 11 di sản cấp quốc gia và 16 di sản được chỉ định cấp thành phố hoặc tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết