Người dân Afghanistan đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực trầm trọng. (Ảnh: Reuters)
Những cam kết quốc tế viện trợ cho Afghanistan được đưa ra tại một hội nghị trực tuyến do Anh, Ðức và Qatar phối hợp tổ chức.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nước giàu không thể làm ngơ trước những hậu quả từ chính những quyết định của họ, nhất là đối với người dân yếu thế ở Afghanistan.
Lời kêu gọi của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh hàm ý tới việc các nước phương tây rút khỏi Afghanistan hồi năm 2021. Sau nhiều năm rơi vào xung đột, tình hình nhân đạo ở Afghanistan trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Sau khi Taliban giành quyền kiểm soát, cộng đồng quốc tế đã "đóng băng" gần 9 tỷ USD tài sản của Afghanistan tại các ngân hàng ở nước ngoài.
Trong những tháng qua, gần 95% số người dân ở quốc gia Nam Á không có đủ lương thực và 9 triệu người có nguy cơ đối mặt nạn đói. Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) ước tính, khoảng 1 triệu trẻ em Afghanistan bị suy dinh dưỡng nặng có thể tử vong nếu không được hỗ trợ kịp thời.
Tình hình nhân đạo ở Afghanistan ngày càng xấu đi khi giá lương thực toàn cầu tăng vọt khiến người dân phải vật lộn để tồn tại, đồng thời cũng khiến các hoạt động cứu trợ đối mặt những hạn chế về nguồn lực tài chính.
Nền kinh tế Afghansitan gần như đã sụp đổ, với hơn 80% dân số phải vay nợ. Viên chức làm việc tại các cơ quan thiết yếu như trường học, bệnh viện đã không được trả lương từ nhiều tháng qua, trong khi các doanh nghiệp bị tê liệt, còn các tổ chức cứu trợ quốc tế có văn phòng tại Afghanistan cũng gần như ngừng hoạt động.
Trước thảm cảnh này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhận định, nền kinh tế của Afghanistan có nguy cơ rơi vào "vòng xoáy chết người" nếu không có viện trợ khẩn cấp. Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) cảnh báo, nếu cộng đồng quốc tế không hành động ngay để hỗ trợ Afghanistan thì chỉ tới giữa năm 2022, khoảng 97% số người dân của quốc gia Nam Á sẽ phải sống dưới mức đói nghèo.
Ðể có nguồn tài chính trợ giúp người dân Afghanistan, Liên hợp quốc đang nỗ lực tìm kiếm khoản viện trợ 4,4 tỷ USD cho Afghanistan và đây là khoản kêu gọi viện trợ nhân đạo lớn nhất từ trước đến nay được tổ chức đa phương toàn cầu dành một cho một quốc gia.
Theo Văn phòng Ðiều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), Afghanistan cần được viện trợ để thúc đẩy nền kinh tế, duy trì hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng như các dịch vụ xã hội cơ bản. Các khoản viện trợ quốc tế sẽ được chuyển trực tiếp đến các cơ quan cứu trợ và không thông qua các kênh của chính quyền Taliban.
Kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền tháng 8 năm 2021, Afghanistan rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo tồi tệ, ảnh hưởng đời sống của 38 triệu người dân. Khoảng 23 triệu người đang phải đối mặt tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, khi nước này vừa trải qua đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 30 năm qua. 60% dân số Afghanistan cần viện trợ, chủ yếu là lương thực.
Trước nguy cơ xảy ra những "thảm kịch" ở Afghanistan, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế luôn kêu gọi nỗ lực nhằm bảo đảm tiến bộ xã hội, dân chủ và nhân quyền đạt được tại Afghanistan trong 20 năm qua, đặc biệt là bảo vệ quyền của phụ nữ. Ðể làm được điều đó các nước cần tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho Afghanistan. Ðói nghèo là nguồn cơn nảy sinh xung đột, bất ổn chính trị-xã hội. Bởi vậy, tăng cường hỗ trợ nhân đạo cho người dân Afghanistan trong thời điểm khó khăn hiện nay là việc làm cấp bách nhằm ngăn chặn nguy cơ khu vực và thế giới phải chứng kiến thêm một thảm họa nhân đạo tồi tệ.
Gửi phản hồi
In bài viết