Không biết bơi nhưng lại học chèo thuyền
Hảo sinh năm 1997, trong gia đình thuần nông ở thôn Đồng Xuân, xã Nhữ Khê (Yên Sơn). Sinh ra ở nơi quanh năm gắn bó với cây chè, ngoài những giờ lên lớp, cũng như nhiều bạn đồng lứa, chị đều dành phần lớn thời gian phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, thu hái, sao chè.
Năm 2012, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao tỉnh và bộ môn đua thuyền Hà Nội tổ chức tuyển trạch vận động viên (VĐV), Đinh Thị Hảo tham gia và đã trúng tuyển. Hảo bồi hồi nhớ lại, ngày đó vừa thi đỗ cấp 3 vào trường THPT Chuyên Tuyên Quang là mái trường nhiều người mơ ước, nhưng sau khi được thầy cô tại Trung tâm chia sẻ về tương lai nếu làm VĐV thi đấu chuyên nghiệp sẽ có những cống hiến lớn cho quê hương, đất nước, với khát khao tuổi trẻ, chị đã quyết định “thử sức” với đua thuyền Rowing. “Nhớ mãi hôm đó trời mùa thu cũng hơi se lạnh, tôi trình bày về nguyện vọng dừng học và tham gia làm vận động viên thể thao, bố mẹ sốc lắm, mẹ đã khóc, bao kỳ vọng vào cô con gái như bị dội gáo nước lạnh. Gần 1 tháng “chiến tranh” Đinh Thị Hảo đã thuyết phục được bố mẹ trở thành VĐV thể thao” - chị kể.
Đinh Thị Hảo (đứng trước) nhận Huy chương vàng kỳ Sea games 31.
Ngày xuống Hà Nội, nhìn anh chị tập luyện ai cũng đen “trùi trũi”, ai cũng bảo, đủ tự tin, đủ sức khỏe thì mới bám trụ, thú thật lúc đó tôi nản lắm, ở nhà tôi chưa biết bơi, thậm chí còn sợ nước. Thế mà giờ lại gắn bó với môn thể thao dưới nước. Những ngày đầu học bơi, do cũng cứng tuổi, sự ngại ngần, lòng tự ti luôn hiện trên khuôn mặt cô gái 16 tuổi, nhưng đã đi xa xứ thì phải quyết tâm, Hảo từng bước chứng minh về khả năng thiên bẩm, thành thục các kiểu bơi sau gần 20 ngày kiên trì tập luyện, rồi câu chuyện ngồi thuyền, cách khua mái chèo, Hảo bảo, thuyền lật úp là chuyện rất đỗi bình thường, tập mãi cũng không khá lên là mấy nhưng cứ làm nhiều rồi thành kỹ năng và cuối cùng đã thành công.
Nhớ lại những ngày cô gái “vàng” mới đầu quân, Trưởng bộ môn Đua thuyền Hà Nội Nguyễn Văn Thắng dí dỏm, lúc đầu ai cũng tưởng cô bé chắc chỉ “trụ” được 2 tháng, ấy vậy mà đã trụ hơn 2 năm và không có ý định dừng lại. Cái quý nhất của Đinh Thị Hảo là ý thức kỷ luật, chấp hành và thực hiện nghiêm túc các bài tập khó của huấn luyện viên đề ra.
Đến những tấm huy chương danh giá
Sau 2 năm “xuống phố”, với tinh thần thép cùng ý chí ngoan cường, trong Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ 7- 2014 Đinh Thị Hảo đã giành Huy chương Đồng (HCĐ) nội dung đua thuyền truyền thống. Năm 2016, cô gái xứ Tuyên giành Huy chương Vàng (HCV) giải vô địch châu Á, rồi lần lượt HCV, HCB giải vô địch Đông Nam Á, Cúp châu Á. Đặc biệt với đội tuyển quốc gia, Hảo giành HCB ASIAD 2018, giành 3 HCV tại tại kỳ Sea games 31… và đến thời điểm này, bảng thành tích của chị đã có trên 20 huy chương các thứ hạng, nội dung đua thuyền Rowing.
VĐV Đinh Thị Hảo cùng mẹ và bà tại kỳ Sea games 31.
Hảo kể, với phụ nữ, để theo được đua thuyền thực sự phải hy sinh rất nhiều, nhất là nhan sắc. Đặc thù môn này buộc tôi và đồng đội phải tập ngoài trời, mưa nắng cũng không ngoại lệ. Vận động viên phải gập, ngả lưng liên tục trong suốt chặng đường dài, ngày này qua ngày khác. Đầu gối cũng phải căng ra mới có lực để chèo mạnh. Sau mỗi buổi tập, tôi cảm thấy ê ẩm hết sống lưng, nhưng có khổ luyện mới thành tài, nên mình lại càng phải cố gắng.
Khi hỏi về gia đình, chị tự hào bảo, có được thành công thì gia đình 2 bên nội ngoại luôn là chỗ dựa vững chắc.
Nhớ mãi năm 2022, trong kỳ Sea games 31, ngày diễn ra môn đua thuyền Rowing tại Thủy Nguyên, Hải Phòng, trong số các khán giả đông đảo đang bất chấp cái nắng, nóng đầu mùa hạ để cổ vũ là hình ảnh bố mẹ, ông bà 2 bên nội ngoại. Hình ảnh đó đã tiếp thêm động lực, để chị dốc sức cùng đồng đội chèo thật nhanh để về đích sớm nhất, mang lại niềm vui cho gia đình hai bên. Chị cho biết, bà ngoại của cả 2 vợ chồng đều đã lớn tuổi. Bà của Hảo ở Tuyên Quang còn bà của chồng, quê ở Quảng Trị. Nhưng dù đường xá xa xôi, dù đã lớn tuổi, cả 2 bà vẫn cùng mẹ của 2 VĐV tới để cổ vũ cho con, cháu.
Sau nhiều nỗ lực tập luyện và thi đấu, Đinh Thị Hảo giành tới 3 HCV trong khi chồng cô là VĐV Phan Mạnh Linh cũng mang về chiếc HCB cho đội tuyển rowing quốc gia.
VĐV Đinh Thị Hảo (thứ 2 từ phải sang) cùng đồng đội.
Được mệnh danh là “ông đỡ” trong đua thuyền, Huấn luyện viên trưởng Lê Văn Quang, Đội tuyển rowing quốc gia đánh giá rất cao tinh thần cầu tiến và ý chí vượt khó của VĐV Đinh Thị Hảo. Chặng đường phía trước của Rowing còn dài và gian nan, nhưng ý chí và sự cầu thị sẽ luôn là động lực để các vận động viên có cơ hội tiến xa.
27 tuổi đời, 12 năm tuổi nghề, trải qua nhiều cực nhọc, chị Hảo vui vẻ, không có đua thuyền sẽ không có chị của ngày hôm nay. Cũng nhờ đua thuyền, chị đã giúp đỡ được bố mẹ sửa sang lại căn nhà ở quê khang trang hơn. Để trả món nợ ân tình với “nghiệp” đua thuyền, hiện Đinh Thị Hảo đang theo học chuyên ngành huấn luyện thể thao, Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh. Chị nói, mình sẽ cố gắng mang thêm nhiều thành tích hơn nữa cho đua thuyền Rowing và sẽ phấn đấu trở thành huấn luyện viên mẫn cán trong tương lai gần.
Gửi phản hồi
In bài viết