Dù mức độ tiếp cận sẽ không được như trước đây, song quyết định đã tạm thời ngăn được Iran thực hiện vi phạm lớn nhất cho tới nay, có thể đẩy thỏa thuận hạt nhân quốc tế tới bờ vực không thể cứu vãn.
Tại một cơ sở làm giàu urani của Iran. Ảnh: AP
Trở về sau chuyến thăm Tehran, Tổng giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Rafael Grossi cho biết, một số nội dung đã được nhất trí “có ý nghĩa hữu ích trong việc vượt qua những khác biệt và cứu vãn tình hình hiện nay”. Dù không cho biết thêm chi tiết về chính xác những hoạt động nào của IAEA sẽ không còn được thực hiện, song Tổng Giám đốc IAEA xác nhận số lượng thanh sát viên ở Iran là không giảm và các hoạt động thanh sát đột xuất vẫn có thể được tiếp tục theo thỏa thuận tạm thời:
“Thỏa thuận mới đạt được sẽ liên tục được đánh giá lại và có thể bị đình chỉ bất kì lúc nào. Hi vọng của tôi và của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế là ổn định tình hình vốn đã rất bấp bênh hiện nay. Thỏa thuận sơ bộ này là kết quả hợp lí sau quá trình tham vấn rất, rất tích cực với giới chức Iran. Và tôi cho rằng, dù mang tính kỹ thuật, song văn kiện sẽ góp phần thúc đẩy các cuộc thảo luận chính trị ở những cấp độ khác", ông Rafael Grossi nói.
Đánh giá về chuyến thăm của Tổng giám đốc IAEA, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi khẳng định, các cuộc thảo luận đã diễn ra tích cực và hiệu quả. Dù hoạt động thanh sát sẽ giảm khoảng 20 đến 30% sau khi luật mới có hiệu lực vào ngày 23/02 tới, song điều này chắc chắn không đồng nghĩa với một sự rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015.
Theo nghị định thư bổ sung của thỏa thuận hạt nhân 2015, còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), IAEA được phép thanh sát bất cứ cơ sở hạt nhân nào của Iran để thu thập thông tin sau khi thông báo ngắn gọn cho giới chức Tehran. Tuy nhiên Quốc hội Iran hồi cuối năm ngoái thông qua dự luật yêu cầu nước Cộng hòa Hồi giáo ngừng một số hoạt động thanh sát hạt nhân nhằm đáp trả việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và tái áp đặt trừng phạt. Nếu được thực hiện, thì đây sẽ là vi phạm lớn nhất của Iran cho đến nay trong thỏa thuận.
Sau khi lên nắm quyền, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần tuyên bố muốn làm sống lại thỏa thuận hạt nhân quốc tế. Dù cả Mỹ và Iran đều tỏ rõ mong muốn quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hai bên vẫn còn những khác biệt về việc nước nào sẽ phải nhượng bộ trước. Chính phủ Mỹ hồi giữa tuần qua đã chấp nhận lời mời của châu Âu tham gia các cuộc thảo luận về vấn đề này. Tuy nhiên, cũng chỉ một ngày sau đó, tổng thống thứ 46 của nước Mỹ đã kêu gọi các đồng minh đồng lòng đối phó với những hành gây bất ổn của Iran tại Trung Đông.
Trong bối cảnh ngoại giao phức tạp này và nhất là khi Mỹ và Iran không còn duy trì các mối quan hệ ngoại giao kể từ năm 1980, Iran hôm qua (21/2) bất ngờ thông báo đang xem xét đề xuất của Liên minh châu Âu về một cuộc họp không chính thức giữa những nước ký kết thỏa thuận hạt nhân hiện nay và Mỹ. Dù hai bên vẫn đang ở giai đoạn thăm dò phản ứng lẫn nhau, song theo các nhà phân tích, ít nhất thế giới có thể kỳ vọng Tổng thống Joe Biden sẽ sớm ra sắc lệnh hủy bỏ quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân của người tiền nhiệm, còn giới lãnh đạo Iran cũng ban hành một nghị quyết tương tự, tuyên bố ý định quay trở lại tuân thủ cam kết, để từ đó khôi phục toàn diện thỏa thuận hạt nhân./.
Gửi phản hồi
In bài viết