Đồng bào Tày, thôn Pác Cáp, xã Phù Lưu được ông Hà Đức Tăng, người có uy tín của thôn hướng dẫn kỹ thuật trồng chanh.
Dẫn chúng tôi đến thăm gia đình bà Hứa Thị Xuân, người có uy tín thôn Yên Cốc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), chị Phạm Thị Hồng, Phó Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn hồ hởi giới thiệu: Ở tuổi 65, bà Xuân vẫn hăng say phát triển kinh tế. Bà là tấm gương cho cán bộ, đảng viên, nhân dân của thôn noi theo.
Cơ ngơi của gia đình bà Xuân gồm ngôi nhà xây khang trang, rộng rãi, sạch sẽ; cây trái sum suê 4 mùa. Chỉ tay về phía ao, bà Xuân bảo: Gia đình vừa đầu tư trên 300 triệu đồng để kiên cố hóa đường bê tông dẫn vào khu sản xuất; cải tạo, kiên cố hóa xung quanh bờ ao, hệ thống tạo oxy, cấp và thoát nước... để nâng cao hiệu quả chăn nuôi cá. Bà Xuân nguyên là giáo viên nghỉ hưu. Năm 2013, sau 2 năm trở về sinh hoạt Đảng tại địa phương, bà được tín nhiệm bầu là người có uy tín trong đồng bào DTTS. Giai đoạn này, xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới, bà đã tích cực vận động nhân dân tham gia đóng góp sức người, sức của xây dựng cơ sở hạ tầng; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, nâng cao thu nhập.
Phát huy trách nhiệm nêu gương, bà cùng bàn với chồng chuyển đổi diện tích đất sản xuất trồng các loại cây ăn quả; thâm canh, xen canh trồng các loại cây ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài. Hiện nay, mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình bà gồm 1,3 ha rừng; trên 100 gốc thanh long đỏ, 100 gốc bưởi, 70 gốc chanh tứ mùa, 50 gốc bưởi diễn; tre mai, tre bát độ. Hàng năm, bà Xuân còn thu được trên 1 tấn bí đỏ, cà pháo nhờ trồng xen vào diện tích chanh tứ mùa. Bên cạnh chăn nuôi cá, gia đình bà còn chăn nuôi lợn sinh sản để bán lợn giống, chăn nuôi gà. Sau khi trừ chi phí, mô hình của gia đình bà đạt khoảng 250 triệu đồng/năm.
Bà Hứa Thị Xuân, người có uy tín thôn Yên Cốc, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) chăm sóc thanh long.
Nhiều năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Thượng Nông (Na Hang), đồng bào Tày của thôn Bản Khẻ ghi nhận tấm lòng cho đi của ông Hoàng Văn Tại, người có uy tín của thôn. Không chỉ tích cực chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi, mỗi năm cho nguồn thu khoảng 100 triệu đồng. Trong 8 năm qua, ông đã cho hàng chục lượt hộ dân tộc Mông, khu dân cư Đông Đăm vay vốn với lãi suất thấp để phát triển mô hình chăn nuôi và buôn bán trâu, bò. Mỗi hộ trung bình được vay từ 50 - 70 triệu đồng; tổng nguồn vốn khoảng 600 triệu đồng.
Từ trước năm 2013, tình trạng đói đứt bữa tồn tại ở Bản Khẻ chiếm đến trên 80%. Nguyên nhân là do các hộ dân còn nghèo, không có tiền mua phân bón cho cây lúa, ruộng bỏ không nhiều. Trước tình trạng đó, 10 năm qua, ông Tại bỏ tiền mua phân lót, phân NPK, phân đạm để ứng trước cho bà con trồng lúa. 1 năm 2 vụ lúa, ông Tại ứng khoảng từ 16 - 18 tấn phân các loại, trị giá khoảng 120 triệu. Người dân trả góp tiền phân cho ông sau thu hoạch lúa. Nhờ sự hỗ trợ của ông, 100% diện tích đất lúa của thôn thường xuyên được canh tác, sản lượng đạt trên 140 tấn/năm; tỷ lệ đói đứt bữa chỉ diễn ra ở những hộ nghèo, thường xuyên đau ốm, bệnh tật.
Với khả năng “nói dân tin, làm dân theo”, đội ngũ người có uy tín trên địa bàn tỉnh ta là “hạt nhân” phát triển kinh tế ở địa phương; được đồng bào tín nhiệm, tôn trọng, tin tưởng. Họ vừa chủ động, tiên phong xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình; định hướng và giúp đỡ hướng dẫn nhân dân địa phương cùng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, vừa góp sức mình hoàn thành các chương trình xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo, triển khai đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ sinh kế cho đồng bào tại địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết