Quang cảnh buổi tọa đàm.
Ngày 20/12, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ phối hợp tổ chức tọa đàm “Tiềm năng và cơ hội phát triển du lịch đường sông trên tuyến kênh xáng Xà No kết nối Cần Thơ-Hậu Giang”.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hậu Giang Nguyễn Thị Lý, riêng tỉnh Hậu Giang có gần 20km bờ kè trải dọc bờ kênh Xà No có tiềm năng để phát triển du lịch đường sông.
Chủ trương của tỉnh là mong muốn các nhà đầu tư, doanh nghiệp thành phố Cần Thơ liên kết xây dựng tuyến du lịch sông nước, đưa khách tham quan các tuyến kênh, rạch nội đồng nối Cần Thơ và Hậu Giang nhằm khám phá, trải nghiệm văn hóa, lịch sử của vùng, nâng cao giá trị sản phẩm du lịch của 2 địa phương.
Theo ông Lê Thanh Phong, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long, muốn phát triển sản phẩm du lịch phải có tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có giá trị văn hóa và phải có sự đầu tư để biến tài nguyên du lịch thành sản phẩm du lịch.
Đối với Hậu Giang, các huyện Châu Thành A, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh cần kết hợp với huyện Phong Điền (thành phố Cần Thơ) phát triển du lịch cộng đồng.
Để phát triển loại hình này, cần phải bảo đảm 3 yếu tố: Giá trị thiên nhiên, bảo tồn văn hóa, công bằng trong thu nhập để giữ gìn các giá trị đặc sắc và nâng cao mức sống của người dân địa phương.
Ở góc độ đơn vị lữ hành, bà Lương Thị Quỳnh, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel chi nhánh Cần Thơ cho rằng, sản phẩm du lịch của tỉnh Hậu Giang vẫn còn bỏ ngỏ do có nhiều yếu tố chưa thuận lợi trong quá trình đơn vị xây dựng sản phẩm phục vụ du khách.
Tuy nhiên, sản phẩm du lịch đường sông là ý tưởng mới và được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm, không chỉ phục vụ khách trong nước mà còn phục vụ du khách nước ngoài.
Bà Lương Thị Quỳnh đề xuất, địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi về phương tiện di chuyển cho các công ty lữ hành khi phát triển du lịch đường sông để tạo thành tuyến từ Cần Thơ đến Hậu Giang; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng để du khách muốn quay lại trải nghiệm.
Cùng với đó, địa phương phải xây dựng chiến lược truyền thông giới thiệu những điểm đặc trưng, điểm mới của du lịch Hậu Giang đến du khách trong khu vực và cả nước…
Tỉnh Hậu Giang hiện có 15 di tích lịch sử, văn hóa, hơn 100 cơ sở lưu trú và nhiều làng nghề truyền thống, khu du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Từ tháng 1/2022, tỉnh Hậu Giang đã đưa vào khai thác tàu du lịch Xà No với sức chứa gần 200 khách, góp phần làm phong phú, đa dạng các sản phẩm dịch vụ du lịch, tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch đường thủy trên địa bàn tỉnh.
Dịp này, các doanh nghiệp lĩnh vực du lịch tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về cung cấp các dịch vụ phục vụ khách du lịch.
Gửi phản hồi
In bài viết