Hoạt động của các Ban công tác Mặt trận tại khu dân cư là đội ngũ những cán bộ nhiệt tình, tâm huyết trong đẩy mạnh các phong trào thi đua ở cơ sở; là hạt nhân đoàn kết giúp thắt chặt tình làng, nghĩa xóm, chung tay thực hiện các chủ trương, kế hoạch, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1.500 thôn, bản, tổ dân phố, tương ứng có từng đấy Ban công tác Mặt trận. Đây là nhân tố quan trọng để triển khai cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” của MTTQ trở thành nền nếp ở mỗi khu dân cư. Nhiều nội dung được cụ thể hóa, như phối hợp thống nhất hành động trong vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia các hoạt động tự quản về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự, hỗ trợ nhau phát triển kinh tế...
Công tác Mặt trận còn bao gồm nhiệm vụ giám sát đầu tư cộng đồng, phối hợp hướng dẫn xây dựng quy ước ở khu dân cư; bình xét, đề nghị công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, công tác hòa giải ở cơ sở; huy động nguồn lực từ cộng đồng cho an sinh xã hội...
Ban Công tác Mặt trận Tổ 6, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang) vận động nhân dân giúp đỡ hộ nghèo sửa chữa nhà ở.
Tại thôn Thác Nóng, xã Sơn Nam (Sơn Dương), từ đầu năm 2022 đến nay, công tác tuyên truyền của khu dân cư tập trung vào việc vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Phạm Văn Được, Trưởng Ban công tác Mặt trận khu dân cư chia sẻ: Ban công tác Mặt trận phối hợp thường xuyên với Trưởng thôn, các chi đoàn, chi hội vận động nhân dân trong thôn thực hiện có hiệu quả theo Nghị quyết lãnh đạo của Đảng ủy, kế hoạch của UBND xã trong thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”. Ban Công tác Mặt trận đã vận động nhân dân đóng góp được trên 30 ngày công và trên 67 triệu đồng làm được 200 mét đường bê tông đường nội đồng để phục vụ sản xuất. Trước đó, Ban Công tác Mặt trận cũng đã huy động nhân dân đóng góp thảm nhựa đường trục chính của thôn dài hơn 1 km; đóng góp lắp đặt biển báo giao thông đường bộ và lắp đặt 3 Camera an ninh để giám sát tình hình an ninh trật tự trong khu dân cư. Ngoài ra, thôn có số nhà, ngõ xóm theo tiêu chí của nông thôn mới nâng cao.
Bà Vương Thị Bích Ngọc, Trưởng Ban công tác Mặt trân thôn Minh Hà, xã Minh Khương (Hàm Yên) cho biết: đầu năm 2022 thôn được Nhà nước hỗ trợ xi măng xây dựng đường bê tông vào vùng sản xuất hàng hóa với chiều dài 1.482 m. Khó khăn nhất là công tác giải phóng mặt bằng, vì tuyến đường đi qua đất của 13 hộ dân trong thôn. Ban Công tác Mặt trận đã kiên trì vận động, thuyết phục, 13 hộ dân đều tự nguyện hiến 3.450 m2 đất. Ngoài ra, nhân dân đóng góp 80 triệu đồng và 200 ngày công để làm đường. Trong quá trình thi công, Ban Công tác Mặt trận cũng thường xuyên giám sát để đảm bảo tuyến đường thi công đúng quy định.
Đồng chí Ma Thị Như Trang, Phó Chủ tịch Ủy Ban MTTQ huyện Hàm Yên cho biết: các ban công tác Mặt trận hoạt động hiệu quả, bằng cách phát huy uy tín của các thành viên để kiên trì tuyên truyền, vận động, thuyết phục. Tùy theo từng đặc điểm của các khu dân cư, các Ban công tác Mặt trận trên địa bàn huyện linh hoạt thu hút nhân dân tham gia các hoạt động tự quản, như tổ tự quản vệ sinh môi trường, tự quản bảo vệ an ninh trật tự, tổ hòa giải,... Đồng thời, lấy biểu dương, động viên là chính, tạo dư luận xã hội để đấu tranh, phê phán những tiêu cực, mặt xấu nảy sinh tại khu dân cư.
Nhân dân thôn Hùng Dũng, xã Hùng Mỹ (Chiêm Hóa) làm gạch sinh thái, bảo vệ môi trường.
Theo Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh, nhiệm vụ của các Ban công tác Mặt trận là phối hợp và thống nhất hành động với chi bộ, các đoàn thể nhân dân trong công tác lãnh đạo, trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND, chương trình hành động và các phong trào, cuộc vận động của MTTQ các cấp. Đồng thời thu thập, phản ánh ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân ở khu dân cư với cấp ủy đảng và Ủy ban MTTQ cấp xã; động viên nhân dân tham gia hoạt động tự quản, thực hiện Pháp lệnh dân chủ ở cơ sở, phối hợp trong hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng...
Để không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động, công tác kiện toàn các Ban công tác mặt trận luôn được Ủy ban MTTQ các cấp chú trọng, trong đó, đảm bảo một chi bộ lãnh đạo trực tiếp một Ban công tác Mặt trận, thuận lợi cho việc tổ chức và phối hợp thống nhất hành động. Đồng thời ban hành quy chế hoạt động, lồng ghép và kết hợp nội dung hoạt động của Ban công tác Mặt trận với những công việc của khu dân cư và nhiệm vụ của mỗi tổ chức thành viên. Hàng năm, từ cấp huyện đến cấp tỉnh đều tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ hoạt động cho đội ngũ Trưởng Ban công tác Mặt trận; giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa các cán bộ giỏi của các địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết