Xã Bình Yên hiện có cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã không phải là người địa phương, do đồng chí Bùi Xuân Mừng được điều động từ huyện về làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã từ năm 2020, còn đồng chí Vương Ngọc Vản được điều động từ xã Lương Thiện sang làm Chủ tịch UBND xã Bình Yên từ năm 2022.
Đồng chí Vương Ngọc Vản (bên trái), Chủ tịch UBND xã Bình Yên thăm vườn mía của người dân.
Bí thư Đảng ủy Bùi Xuân Mừng chia sẻ, những ngày đầu được điều động làm Bí thư Đảng ủy xã, anh nhận thấy Bình Yên còn gặp nhiều khó khăn trong thực hiện tiêu chí về thiết chế văn hóa, nhà ở trong xây dựng nông thôn mới, anh đã kêu gọi, kết nối với Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam hỗ trợ nguồn lực để xây dựng 4 nhà văn hóa thôn và 40 nhà ở cho hộ nghèo. Anh Mừng còn tích cực đi cơ sở, xuống gặp gỡ Nhân dân để bám nắm tình hình, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong Nhân dân. Điển hình như khi một số hộ dân ở thôn Lập Binh chưa đồng thuận để chủ đầu tư dự án Flamingo Tân Trào kéo đường điện đi qua nhà dân, anh Mừng đã trực tiếp xuống tuyên truyền, giải thích để các hộ đồng thuận. Anh còn giao việc đột phá, đổi mới đến từng cán bộ, công chức, bí thư chi bộ, trưởng thôn, hiệu trưởng các trường học. Nhờ đó, đến nay, nhận thức về bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến. Ở 5/5 thôn đều có lò xử lý rác thải tập trung, nhiều hộ đã xây dựng bể xử lý rác thải tại hộ gia đình.
Còn đồng chí Vương Ngọc Vản, Chủ tịch UBND xã Bình Yên khi được điều động đã chỉ đạo triển khai nhiều dự án, các chương trình, nguồn vốn để hỗ trợ người dân phát triển gia súc, trồng chè, trồng mía nguyên liệu. Bình Yên hiện là xã đi đầu về trồng mía nguyên liệu ở Sơn Dương với diện tích 84 ha. Anh Vản chia sẻ: “Được đi họp trên huyện nhiều, mình nắm bắt được chủ trương phát triển cây mía và các chính sách về giá thu mua nguyên liệu của Công ty CP Mía đường Sơn Dương nên mỗi lần đi họp thôn, mình đều tuyên truyền cho Nhân dân tận dụng đất lúa một vụ hoặc đất bỏ trống để trồng mía”. Anh Hầu Văn Xuân, thôn Đồng Min trồng trên 2.000m2 mía nguyên liệu trên đất lúa 1 vụ, mỗi năm sau khai thác, trừ chi phí, anh thu về gần 30 triệu đồng. Anh Xuân phấn khởi nói: “Nhờ cán bộ xã tuyên truyền nên mình tận dụng diện tích đất lúa một vụ để trồng mía, còn trước kia diện tích đất này chỉ để không”.
Đồng chí Dương Thị Phương Nhung (ngoài cùng bên trái), Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa (Sơn Dương) tham gia hoạt động ba cùng với Nhân dân.
Xã Tam Đa hiện cả Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã đều là cán bộ được điều động từ nơi khác đến. Dù mới từ xã Trường Sinh làm Bí thư Đảng ủy xã Tam Đa nhưng đồng chí Dương Thị Phương Nhung đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy ở địa phương được điều động. Nhận thấy ở Tam Đa có nhiều vụ việc kiến nghị của người dân tồn đọng kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm, chị Nhung đã cùng các đồng chí trong Thường trực Đảng ủy, Ban Thường vụ Đảng ủy, BCH Đảng bộ xã họp nghiên cứu từng vụ việc rồi phân công cán bộ xuống tận nơi khảo sát tình hình. Nhiều vụ việc, chị chỉ đạo trực tiếp đối thoại với công dân. Nhờ đó đến nay, trong số 9 vụ việc còn tồn đọng, chủ yếu về đất đai thì có 8 vụ đã được giải quyết dứt điểm, còn 1 vụ đang giải quyết. Chị Nhung cũng quyết liệt trong lãnh đạo thực hiện Đề án 02 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội. Đến nay, trên 50% trưởng ban công tác Mặt trận, trưởng các tổ chức đoàn thể của thôn ở Tam Đa đều là đảng viên. Với vai trò là người đứng đầu được điều động từ nơi khác đến, chị Nhung tích cực tham gia các hoạt động “ba cùng” với Dân để tăng cường mối quan hệ gắn bó và nắm tình hình trong Nhân dân.
Đồng chí Đỗ Xuân Phúc, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Sơn Dương cho biết, căn cứ vào tình hình thực tiễn của từng địa phương, địa bàn, năng lực của cán bộ, Ban Tổ chức Huyện ủy tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định điều động cán bộ từ huyện về cơ sở hoặc từ địa phương này sang địa phương khác. Thực tế công tác điều động cán bộ thời gian qua cho thấy, nhiều nơi, cán bộ được điều động đã được thử thách, rèn luyện, có nhiều nỗ lực, đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần làm thay đổi lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức ở nơi được điều động đến. Công tác nắm bắt tình hình và xử lý những phát sinh ở cơ sở được kịp thời hơn.
Gửi phản hồi
In bài viết