Những bứt phá quan trọng
Những năm gần đây, tỉnh đã có những bứt phá quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội và đang trở thành một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng khá trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 5,67%, đứng thứ 4 trong các tỉnh miền núi phía Bắc. Trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,8%, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 5,3% so với năm 2020; thu ngân sách đạt 2.476 tỷ đồng, đạt 100,2% kế hoạch; giá trị xuất khẩu hàng hóa năm 2021 đạt 159,7 triệu USD, tăng 34,2% so với năm 2020, tăng 17,5% so với kế hoạch năm 2021…
Toàn tỉnh hiện có 2.119 doanh nghiệp, đơn vị kinh tế trực thuộc công ty Nhà nước với số vốn đăng ký là 22.360 tỷ đồng. Tỉnh cũng thu hút được một số nhà đầu tư lớn như Tập đoàn Geleximco, Vingroup, Dabaco, Mường Thanh, Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Woodsland... và nhiều dự án FDI đến từ Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc, Australia, Samoa, với tổng số vốn đăng ký 210 triệu USD (tương đương gần 5.000 tỷ đồng). Các dự án đầu tư quan trọng, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.
Cụm công nghiệp Phúc Ứng (Sơn Dương) đã thu hút được 10 dự án với tổng mức đầu tư trên 1 nghìn tỷ đồng, trong đó có 7 dự án vốn đầu tư trong nước và 3 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI; tỷ lệ lấp đầy cụm công nghiệp đạt 75,9%. Trong đó, có 3 dự án là Dự án Nhà máy sản xuất tai nghe của Công ty TNHH FOS/Hồng Kông, công suất 10 triệu sản phẩm/năm; Nhà máy sản xuất vải bạt nhựa của Công ty TNHH Hitarp Việt Nam, công suất tối đa 8 nghìn tấn sản phẩm/năm; Nhà máy bao bì Jumbor của Công ty TNHH bao bì DHT vào sản xuất năm 2021.
Nhà máy gạch tuynel của Công ty cổ phần Lâm sản và Khoáng sản Tuyên Quang dự kiến đi vào sản xuất năm 2022.
Ông Bùi Văn Hưng, phụ trách Công ty TNHH bao bì DHT cho biết, khi đầu tư nhà máy tại cụm công nghiệp Phúc Ứng, đơn vị đã được các cấp chính quyền trong tỉnh tạo điều kiện từ khảo sát, giải phóng mặt bằng để dự án nhanh chóng đi vào hoạt động sản xuất giai đoạn 1 vào tháng 7-2021. Hiện dự án đang tiếp tục đầu tư giai đoạn 2 để đạt công suất 700 nghìn sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 45 tỷ đồng, sản xuất bao bì xuất khẩu. Thu hút được đầu tư trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19 hoành hành, khẳng định tỉnh là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư.
Nguồn lực từ thu hút đầu tư đã mang lại cho tỉnh sự bứt phá, trong năm 2021 tỉnh đã tiếp nhận và xử lý 110 hồ sơ dự án đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách; quyết định điều chỉnh chủ trương 20 dự án, vốn đầu tư trên 657 tỷ đồng; thu hút 36 dự án đầu tư với số vốn gần 26 nghìn tỷ đồng, đạt 50% mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2020 - 2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra. Đây là con số ấn tượng thu hút đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp, khẳng định chính sách thu hút đầu tư của tỉnh đã hấp dẫn các tập đoàn, doanh nghiệp.
Phấn đấu thu hút 30 nghìn tỷ đồng đầu tư vào tỉnh năm 2022
Ngày 2-6-2021, Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 được UBND tỉnh ban hành. Mục tiêu là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để xây dựng, tạo lập địa chỉ hấp dẫn, tin cậy, là điểm đến an toàn cho các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, thu hút khoảng 45.000 đến 50.000 tỷ đồng đầu tư vào tỉnh.
Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2022, tỉnh phấn đấu thu hút 30 nghìn tỷ đồng. Để đạt mục tiêu đã đề ra, tỉnh sẽ xúc tiến, thu hút đầu tư tập trung vào lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh, lợi thế. Để đạt mục tiêu này, Sở đang tham mưu cho tỉnh thông qua quy hoạch mở rộng các khu, cụm công nghiệp; triển khai có hiệu quả việc hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh theo Nghị định số 57/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đầu tư nước ngoài đối với các dự án ngoài khu công nghiệp; các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, NGO (tổ chức phi chính phủ). Đồng thời, Sở thực hiện quản lý Nhà nước về đầu tư nước ngoài; các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA và nguồn viện trợ NGO theo quy định; tiếp tục các bước thu hút Tập đoàn Sun Group, Công ty cổ phần Flamingo Redtours… vào tỉnh trong những năm tới để đón đầu xu hướng phát triển.
Cụ thể hóa mục tiêu thu hút đầu tư, ngày 16-12-2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, xác định cụ thể thu hút vào từng lĩnh vực. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh sẽ thu hút 25.000 tỷ đồng vào xây dựng khu đô thị, khu dân cư; 9.000 tỷ đồng đầu tư vào công nghiệp; 5.600 tỷ đồng đầu tư phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, bến xe, bến cảng, bến thủy nội địa; 5.300 tỷ đồng đầu tư dịch vụ thương mại, du lịch; 2.500 tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực thể thao; 2.000 tỷ đồng đầu tư vào sản xuất nông nghiệp và 970 tỷ đồng đầu tư vào y tế, giáo dục, môi trường.
Tỉnh tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, nâng cao tính chuyên nghiệp, đổi mới nội dung xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh thực hiện tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi và tọa đàm với doanh nghiệp đã đầu tư tại tỉnh nhằm lắng nghe, chia sẻ và giải quyết khó khăn của doanh nghiệp, hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tăng cường tính liên kết, kết nối với các địa phương lân cận, phát triển chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tỉnh tạo mối liên kết giữa Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh và các sở, ban ngành, Hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp để nghiên cứu thị trường, tư vấn hỗ trợ cho doanh nghiệp trong tỉnh phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường mới; khuyến khích các doanh nghiệp đã đầu tư mở rộng quy mô và chiều sâu...
Ngoài những biện pháp đảm bảo các thủ tục hành chính đơn giản, gọn nhẹ cho các nhà đầu tư, tỉnh đang tập trung hoàn thành một số dự án, công trình động lực, trọng điểm như: Đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; đường trục phát triển đô thị từ thành phố Tuyên Quang đi trung tâm huyện Yên Sơn; triển khai các bước đầu tư xây dựng đường liên kết vùng Tuyên Quang - Hà Giang với cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ; xây dựng mỗi huyện 1 trục phát triển… Đây là những dự án sẽ tạo ra nhiều không gian phát triển mới, có tính chất liên kết vùng, rút ngắn thời gian di chuyển giữa tỉnh với các trung tâm kinh tế lớn, tạo sức hút các dự án đầu tư.
Gửi phản hồi
In bài viết