Bộ Y tế cho biết, việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm đã được quy định tại Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28/9/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế và Nghị định số 115/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.
Đây là chế tài góp phần đưa các quy định về y tế dự phòng, phòng, chống HIV/AIDS, khám bệnh, chữa bệnh, dược, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế, bảo hiểm y tế, dân số-kế hoạch hoá gia đình và an toàn thực phẩm vào cuộc sống; tạo chuyển biến tích cực đối với việc nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân; bảo đảm trật tự, kỷ cương trong hoạt động quản lý nhà nước về y tế, an toàn thực phẩm.
Các Nghị định trên xây dựng dựa trên quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các luật chuyên ngành.
Ngày 13/11/2020, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2022. Luật mới ban hành có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Cụ thể:
Về thẩm quyền xử phạt: Luật sửa đổi đã bổ sung thêm nhiều chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính để phù hợp với sự thay đổi, điều chỉnh về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Theo đó, ngoài các chức danh của các lực lượng có thẩm quyền xử phạt quy định tại Điều 39 đến Điều 49 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã được sửa đổi, bổ sung.
Về hình thức xử phạt “Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”: Đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng thẩm quyền áp dụng hình thức này.
Đây là những điểm mới cần phải bổ sung trong quá trình sửa đổi các nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế để đảm bảo tính thống nhất.
Mặt khác, trong quá trình thi hành Nghị định số 115 và Nghị định số 117 đã bộc lộ một số những hạn chế, bất cập như: Một số hành vi tại Nghị định còn thiếu quy định để làm căn cứ xác định hành vi vi phạm, biện pháp khắc phục hậu quả; quy định về của một số hành vi chưa phù hợp với thực tiễn, cần có sự điều chỉnh.
Từ những lý do trên, việc xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, an toàn thực phẩm để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật và khắc phục những hạn chế, bất cập nêu trên là cần thiết.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Gửi phản hồi
In bài viết