Một cửa hàng xăng dầu tại xã Tòng Ðậu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. (Ảnh: Minh Hà)
Việc nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Nghị định về quản lý xăng dầu là yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy lĩnh vực này phát triển.
Bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp
Tại dự thảo lần 2 tờ trình Thủ tướng về ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đã đưa ra các phương án nhằm hoàn thiện cơ chế quản lý nhà nước đối với mặt hàng này, nhất là các quy định về thời gian điều hành giá, quỹ bình ổn giá, các điều kiện kinh doanh xăng dầu,... Tuy nhiên, dự thảo này vẫn nhận nhiều ý kiến phản biện trái chiều, nhận diện những bất cập cần sớm sửa đổi.
Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, vận tải xăng dầu Hà Giang Nguyễn Công Thành cho biết, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nên dù lãi hay lỗ doanh nghiệp vẫn buộc phải bán hàng, nếu ngừng bán phải có lý do chính đáng, nếu không sẽ bị xử phạt. Thời gian qua, mức chiết khấu xăng dầu về mức 0 đồng, thậm chí bị âm dẫn đến các cửa hàng bán lẻ càng bán càng lỗ do thu không đủ bù chi, trong khi doanh nghiệp vẫn buộc phải duy trì hoạt động.
Theo quy định, doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng một nơi nên sau khi ký hợp đồng sẽ bị chèn ép chiết khấu, thương nhân phân phối áp mức chiết khấu bao nhiêu cũng phải nhận. Kể cả sau 1 hoặc 2 năm, có đổi nhà phân phối khác cũng vẫn bị chèn ép chiết khấu. Bởi nhà phân phối thừa biết, nếu doanh nghiệp bán lẻ không lấy hàng của họ cũng không thể lấy hàng của nhà phân phối khác. Ðiều đó cho thấy, doanh nghiệp bán lẻ bị rơi vào trong thế kẹt, mọi sự cạnh tranh bị triệt tiêu. Mặc dù Bộ Công thương đang xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung nhưng thực trạng này vẫn không thay đổi được nhiều đối với doanh nghiệp bán lẻ hiện nay.
Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xăng dầu Bảo Dương Lê Văn Báu cho biết thêm, hiện đang tồn tại điểm bất hợp lý ở chỗ, thương nhân phân phối cũng sở hữu cửa hàng bán lẻ, làm chủ chuỗi cung ứng của chính họ. Thương nhân được hưởng quyền lợi về giá (tính định mức lợi nhuận) và được lấy hàng ở nhiều nơi, chủ động được nguồn hàng; khi tham gia thị trường, có thể cắt chiết khấu cho khách hàng để giữ chân khách, còn doanh nghiệp bán lẻ mặc dù ký làm đại lý cho họ nhưng không trực thuộc mà phải tự hạch toán doanh thu, lời ăn lỗ chịu, tự chịu trách nhiệm về kết quả kinh doanh, không có chiết khấu cho khách dẫn đến mất khách hàng.
Khi giá tăng, doanh nghiệp bán lẻ mua hàng thường bị nhà cung cấp từ chối bán, hầu hết không giao hàng, họ cố tình để tồn trữ, giữ lại nhằm hưởng chênh lệch giá, dù doanh nghiệp bán lẻ không được giao hàng buộc phải đóng cửa,... Vì vậy, doanh nghiệp kiến nghị, khi sửa đổi Nghị định nên ghi nhận chiết khấu vào công thức tính giá cơ sở như một khoản chi phí lưu thông ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để bảo đảm không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp.
Tiệm cận giá thị trường
Góp ý dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, với quy định như hiện nay, khi giá bán lẻ điều hành thấp hơn chi phí thì khoản âm chủ yếu đổ vào doanh nghiệp bán lẻ, bởi doanh nghiệp bán buôn có quyền chủ động giá bán buôn và không bị xử phạt khi ngừng bán hàng. Do đó, mấu chốt vấn đề vẫn là xử lý cơ chế giá bán lẻ xăng dầu.
Trong dự thảo Nghị định, Bộ Công thương lựa chọn phương án không quy định cụ thể mức chiết khấu. Với cách thức này, Nhà nước đang can thiệp vào thị trường nửa vời, một mặt tôn trọng quan hệ dân sự bằng cách không quy định chiết khấu tối thiểu hay giá bán buôn tối đa và không xử phạt bên bán buôn khi dừng bán, nhưng mặt khác lại can thiệp vào quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp bán lẻ bằng cách quy định giá bán lẻ tối đa và xử phạt khi cửa hàng bán lẻ ngừng bán.
Do vậy, trong trường hợp Nhà nước không can thiệp giá, để cung cầu thị trường quyết định thì không quy định mức chiết khấu bán lẻ tối thiểu. Trường hợp Nhà nước tiếp tục can thiệp giá bán lẻ, cần đồng thời điều hành chiết khấu tối thiểu hoặc giá bán buôn tối đa để bảo đảm đồng bộ cơ chế quản lý.
Về phương thức điều hành giá, theo VCCI, giá bán do cung cầu quyết định sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh của thị trường. Nếu thị trường có mức cạnh tranh cao, giá bán sẽ sát với chi phí. Ngược lại, nếu thị trường có ít nhà cung cấp hoặc các nhà cung cấp bắt tay với nhau để nâng giá (thỏa thuận hạn chế cạnh tranh) thì giá bán sẽ cao hơn chi phí.
Ðể khắc phục tình trạng này, cần thúc đẩy tính cạnh tranh của thị trường bằng nhiều biện pháp như cho phép mở các cây xăng gần nhau, cho phép các cây xăng nhập hàng từ nhiều nguồn, hạ rào cản gia nhập thị trường xăng dầu,... Ðối với quy định thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của ba thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác. Quy định này nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối cung cấp hàng cho thương nhân phân phối khi nguồn cung xăng dầu khó khăn.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, vấn đề này không thật sự cần thiết. Nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, việc các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng trong hệ thống của mình hay bán cho các thương nhân phân phối khác cũng không làm thay đổi tổng thể nguồn cung trên thị trường.
Ðể xử lý vấn đề, các bên găm hàng cần tăng tính linh hoạt của thị trường nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối. Quan trọng hơn là chính sách cần xử lý vấn đề giá để các bên có động lực kinh doanh. VCCI cũng kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu vì cho rằng điều hành vừa qua chưa đạt mục tiêu giúp giảm biên độ biến động giá trong nước,...
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, công tác dự báo và điều hành của liên bộ Công thương-Tài chính thời gian qua chưa sát với thực tiễn, lấy quy định trong hoàn cảnh “bình thường” để điều hành sự “bất thường”, thiếu linh hoạt. Do đó, không phải sửa Nghị định như thế nào mà quan trọng ở sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong chức năng, nhiệm vụ được giao.
Dẫn chứng từ đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xuống còn 7 ngày, ông Long cho rằng, qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung Nghị định từ 30 ngày, xuống còn 15 ngày, hiện tại là 10 ngày nhưng vẫn gây bất cập trong điều hành giá xăng dầu. Có thời điểm giá thế giới tăng nhưng chúng ta lại giảm và ngược lại, vì vậy cần nghiên cứu và càng rút ngắn thời gian điều hành giá càng tốt.
Ngoài tần suất và thời gian điều chỉnh, phải điều hành giá sát với giá thị trường, tránh tình trạng bất ổn, đứt gãy nguồn cung. Khi sửa đổi, bổ sung Nghị định, cần bảo đảm nguyên tắc xuyên suốt là tạo môi trường kinh doanh để doanh nghiệp hoạt động cạnh tranh theo nguyên tắc thị trường; sắp xếp hợp lý hệ thống lưu thông, cung ứng xăng dầu cũng như xây dựng các kịch bản điều hành giá và giải pháp bình ổn giá theo biến động thế giới,...
Gửi phản hồi
In bài viết