Giới thiệu sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Hội nghị sở hữu trí tuệ toàn quốc, tháng 3-2024. Ảnh: Nguyễn Quang
Thiếu tổ chức trung gian
Tài sản trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ. Việc định giá tài sản trí tuệ là điều cần thiết để tạo thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, quyết định chiến lược nội bộ, chuyển giao công nghệ... Tuy nhiên, những chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động này vẫn còn thiếu, nhất là những biện pháp hỗ trợ của Nhà nước nhằm thúc đẩy hoạt động định giá công nghệ, tài sản trí tuệ.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải Lưu Hải Minh cho biết: “Tài sản trí tuệ dù được gọi là tài sản nhưng khó có thể chuyển đổi thành tiền. Chúng tôi rất mong có thể dùng các sáng chế để thế chấp vay vốn nhưng gặp vướng mắc ở khâu định giá, nên vẫn phải dùng các tài sản hữu hình như nhà, đất thì mới có thể vay vốn được”.
Theo nguyên Trưởng phòng Quản lý công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hà Nội) Lê Thanh Hiếu, Luật Doanh nghiệp năm 2014 và Nghị định số 13/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ về doanh nghiệp khoa học và công nghệ có quy định tài sản góp vốn có thể là quyền sở hữu công nghệ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp khởi nghiệp gặp nhiều khó khăn khi đăng ký vốn điều lệ, tăng tài sản từ sở hữu trí tuệ, trong khi đó tài sản trí tuệ là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Việc chưa ghi nhận vốn bằng tài sản trí tuệ gây cản trở đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư.
PGS.TS Trần Văn Nam (Trường Đại học Kinh tế quốc dân) cho hay, ở nước ta hiện nay hầu như vắng bóng tổ chức trung gian và chuyên gia về định giá công nghệ. Việc định giá thường do cán bộ quản lý được mời làm tư vấn khi thương thảo hợp đồng mua bán công nghệ. Hiện tại, các tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ định giá theo Luật Giá đều đăng ký định giá công nghệ. Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức này đều chưa thực hiện các dịch vụ định giá công nghệ một cách bài bản.
Bên cạnh đó, mặc dù đã được quan tâm, có hành lang pháp lý và quản lý nhưng thực tế cho thấy, quy mô, chất lượng, uy tín của các tổ chức định giá công nghệ vẫn còn rất hạn chế. Hoạt động định giá công nghệ vẫn còn là một thách thức lớn đối với doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng tài sản trí tuệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật
Hiện nay, nước ta có khoảng 800 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 4.000 doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ. Do đó, nhu cầu chuyển giao, mua bán về quyền sở hữu trí tuệ vô cùng lớn.
Bên cạnh đó, trong hệ sinh thái công nghệ hiện tại còn có 34 làng công nghệ, 138 cơ sở ươm tạo khởi nghiệp công nghệ ở các trường đại học lớn. Theo Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Hồng Quất, hầu hết họ đều chưa được tiếp cận hoạt động định giá tài sản sở hữu trí tuệ.
Mặc dù hoạt động định giá tài sản trí tuệ ở Việt Nam đã diễn ra từ trước khi ban hành Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005), song đến nay, việc định giá tài sản trí tuệ vẫn chưa tuân thủ theo một chuẩn mực. Tiến sĩ Trần Hậu Ngọc, Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Ở Hàn Quốc, nếu muốn dùng tài sản trí tuệ để vay vốn ngân hàng, doanh nghiệp hoặc cá nhân chỉ cần mang đến KOTEC (một tổ chức định giá công nghệ, tài sản trí tuệ của Hàn Quốc). Trong quá trình định giá, doanh nghiệp sẽ phải cung cấp thông tin. Sau khi có kết quả, nếu tài sản trí tuệ đấy có khả năng thương mại hóa, KOTEC sẽ cấp một chứng thư cho ngân hàng và doanh nghiệp sẽ được vay vốn. Tất cả chi phí trong quá trình định giá được Chính phủ Hàn Quốc tài trợ. Viện cũng đang đề xuất xây dựng một mô hình tương tự cho Việt Nam.
Để việc định giá tài sản trí tuệ ở Việt Nam được đồng bộ, theo các chuyên gia, cần sớm hoàn thiện các quy định pháp luật về định giá tài sản trí tuệ theo hướng: Cụ thể hóa quyền sở hữu đối với kết quả khoa học và công nghệ; đưa các nguyên lý, nguyên tắc, quy luật của thị trường vào trong các quy định hiện hành, như việc phân chia lợi nhuận thu được sau khi chuyển nhượng, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ. Cùng với đó, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường xây dựng hệ thống thông tin mang tính chất cơ bản, nền tảng cho hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới tài sản trí tuệ; bổ sung và hoàn thiện các quy định về hoạt động tư vấn đánh giá, định giá và môi giới tài sản trí tuệ...
Gửi phản hồi
In bài viết