Thực hiện quy định đeo khẩu trang, bảo đảm môi trường thông thoáng, duy trì khoảng cách...
là những biện pháp cốt lõi giữ an toàn cho các trường học tại Mỹ.
Theo số liệu của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), đại dịch Covid-19 bùng phát từ năm 2020 đã khiến trường học ở hơn 188 quốc gia phải đóng cửa, làm gián đoạn việc học tập của 1,6 tỷ trẻ em, tương đương 75% số trẻ em trong độ tuổi đến trường. Theo giới chuyên môn, quyết định đóng cửa trường học trước đây được xem như một biện pháp đề phòng rủi ro, trong bối cảnh những hiểu biết về đại dịch Covid-19 vẫn còn hạn chế. Nhưng giờ đây, khi quan điểm “sống chung an toàn với đại dịch” đã phổ biến, việc mở cửa trường học được nhiều quốc gia xem như việc cấp bách cần làm.
Theo Hệ thống theo dõi khôi phục giáo dục toàn cầu giữa dịch Covid-19 - trang thông tin do trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ), Ngân hàng Thế giới (WB) và UNICEF vận hành, tới nay đã có 80% các trường học trên thế giới bước vào kỳ học thường niên. Trong đó, 54% số trường đã dạy và học trực tiếp, 34% áp dụng kết hợp hình thức trực tiếp và trực tuyến, 10% duy trì mô hình học tập từ xa và chỉ còn 2% dừng giảng dạy.
Nối lại hoạt động học tập trực tiếp càng nhanh càng tốt là điều được các tổ chức quốc tế ủng hộ, thậm chí là thúc giục. Theo WB, rủi ro từ việc mở cửa trường học không lớn. Ở những nước có dân số tương ứng 100.000 dân mà trong 1 tuần chỉ có 36-44 ca nhiễm mới Covid-19 thì việc mở cửa trở lại trường học không làm tăng tỷ lệ người nhập viện. Dữ liệu từ các nghiên cứu giám sát dân số và truy vết tiếp xúc cũng cho thấy, trẻ nhỏ - đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi có nguy cơ nhiễm Covid-19 thấp, khả năng truyền bệnh ít hơn so với người trưởng thành. Trong số những trẻ em nhiễm bệnh, các ca gặp triệu chứng nặng và tử vong cũng rất hiếm, đa phần rơi vào trường hợp trẻ có bệnh lý nền.
Hiện thế giới có khoảng 53% các quốc gia đang ưu tiên tiêm chủng cho giáo viên. Nhiều tổ chức quốc tế bảo lưu quan điểm rằng, các nước không nên chờ đợi tới khi "phủ kín vắc xin" mới mở cửa trường học trở lại. Các tổ chức này cho rằng, việc chờ đợi tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 có tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm, nhưng làm gia tăng tổn thất đối với trẻ em, nhất là về lâu dài. Trước yêu cầu cấp thiết, nhiều quốc gia đã đề ra lộ trình và phương án kèm theo nhằm bảo đảm trường học vận hành trở lại an toàn. Dù cách tiếp cận có khác nhau, nhưng hầu hết đều dựa trên nguyên tắc kiểm soát lây nhiễm, tiết kiệm chi phí...
Nhiều quốc gia đã có những mô hình sáng tạo trong việc mở cửa trở lại trường học. Tại Nhật Bản, các trường học lắp máy giám sát nồng độ CO2 để bảo đảm phòng học luôn thông thoáng, đồng thời triển khai ứng dụng theo dõi sức khỏe học sinh, giáo viên, kết hợp xét nghiệm kháng nguyên định kỳ. Một số trường học ở Ấn Độ thì xét nghiệm nước thải trong trường để phát hiện mầm mống của vi rút SARS-CoV-2.
Ở Đông Nam Á, Malaysia triển khai cơ chế luân phiên đến trường theo tuần, không chỉ với học sinh tiểu học và trung học, mà còn áp dụng ngay với từng lớp khi yêu cầu lớp chia hai nhóm luân phiên giữa việc học trực tuyến và đến trường. Ở Trung Đông, Israel mạnh tay thiết lập hệ thống tiêm phòng vắc xin Covid-19 ngay tại sân trường.
Sự kết hợp giữa “phòng vệ” chống dịch và những giải pháp sáng tạo đã giúp nhiều quốc gia đẩy nhanh tiến trình mở cửa trở lại các trường học. Đây được xem là một trong những bước đi để hoạt động giáo dục thích ứng với trạng thái “bình thường mới” trên quy mô toàn cầu.
Gửi phản hồi
In bài viết