Nhận thức rõ ý nghĩa to lớn của việc “tự soi, tự sửa”, Đảng ta đã khẳng định: “Sức mạnh của Đảng, của mỗi đảng bộ và đảng viên không chỉ ở ưu điểm mà còn ở chỗ nhận rõ và sửa chữa bằng được những vấn đề tồn tại, những sai lầm, khuyết điểm và tự vượt lên chính bản thân mình”. Thực hiện chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, các cấp ủy, tổ chức đảng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các văn bản theo thẩm quyền để lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện việc “tự soi”, “tự sửa” theo Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của BCH Trung ương; Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Kế hoạch số 147-KH/TU ngày 14/01/2022 của BCH Đảng bộ tỉnh và Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU của Ban Tổ chức Tỉnh ủy.
Chi bộ Thanh tra tỉnh coi việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện “tự soi”, “tự sửa” là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.
Theo đồng chí Khánh Thị Xuyến, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, cấp ủy chi bộ Thanh tra tỉnh, coi việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện “tự soi”, “tự sửa” là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Trên tinh thần thẳng thắn, đánh giá đúng thực tế về những ưu để tiếp tục phát huy và chỉ rõ nhược điểm, hạn chế của cả tập thể và từng cá nhân, đề ra nguyên nhân, giải pháp khắc phục, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu công tác hằng năm.
Trên tinh thần “tự soi, tự sửa” Chi bộ Thanh tra tỉnh đã quyết liệt, đánh giá các tồn tại, hạn chế để chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm từ tập thể, từng cá nhân. Đồng thời, tập trung triển khai những giải pháp “đúng, trúng” và kịp thời nên công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số của đơn vị đã có bước tiến ngoạn mục. Kết quả công bố của UBND tỉnh về chỉ số cải cách hành chính năm 2023, Thanh tra tỉnh xếp thứ 4/19 (tăng 5 bậc so với năm 2022) và chỉ số chuyển đổi số xếp thứ 5/19 (tăng 9 bậc so với năm 2022).
Thời gian qua, nhận thức của các cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên trên địa bàn tỉnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác kiểm điểm tự phê bình và phê bình gắn với việc “tự soi”, “tự sửa” đã được nâng cao và trở thành việc làm thường xuyên, liên tục. Đồng chí Lâm Thị Hiếu, Bí thư Đảng ủy xã Thành Long (Hàm Yên) cho biết, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với tinh thần “tự soi, tự sửa”, BCH Đảng bộ xã đã nghiêm túc kiểm điểm chỉ ra một số hạn chế, khuyết điểm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Cụ thể như, kinh tế của xã tuy đã có bước phát triển nhưng chưa ổn định, chưa có nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao.
Với tinh thần “tự sửa”, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp, trọng tâm là đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, phát huy lợi thế địa phương. Bám sát nghị quyết, UBND xã đã tăng cường phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tập trung phát triển nông nghiệp hàng hóa gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, toàn xã đã phát triển, duy trì 31 ha mía; duy trì hiệu quả liên kết trồng 30,5 ha dưa chuột đem lại hiệu quả cao cho người dân; duy trì diện tích rừng FSC là gần 2.500 ha; tăng thu nhập cho người dân đạt 47 triệu đồng/người/năm... Đây là nguồn lực giúp xã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tháng 8-2024).
Theo đánh giá của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, nhìn chung các chi bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc trong kiểm điểm tự phê bình và phê bình, thực hiện “tự soi, tự sửa” giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Qua thực hiện việc “tự soi”, “tự sửa” của từng đảng viên đã giúp cấp ủy, chi bộ nắm được tình hình đảng viên; có những giải pháp quản lý, giáo dục giúp đỡ để đảng viên kịp thời sửa chữa khắc phục, góp phần xây dựng chi bộ trong sạch vững mạnh và thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Gửi phản hồi
In bài viết