Đến dự có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Ma Thế Hồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Phạm Thị Minh Xuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Tạ Đức Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Tuyên Quang; lãnh đạo UBND tỉnh, Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương, Cục Sở hữu trí tuệ, Trung tâm thẩm định chỉ dẫn địa lý và nhãn hiệu quốc tế (Bộ Khoa học và Công nghệ); lãnh đạo sở, ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; đơn vị tư vấn chương trình OCOP; lãnh đạo các tỉnh Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Kạn và thành phố Hà Nội.
Cắt băng khai mạc Hội chợ OCOP năm 2021. Ảnh: Thành Công.
Hội chợ OCOP Tuyên Quang 2021 gắn với công bố chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên diễn ra từ ngày 22 đến ngày 26-1, quy mô 250 gian hàng của trên 100 tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, thương nhân trong và ngoài tỉnh tham gia với các sản phẩm hàng nông, lâm nghiệp, thủy hải sản, dược liệu... đã được xếp hạng và chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Đặc biệt, sản phẩm cam sành Hàm Yên được người tiêu dùng ưa chuộng và bình chọn là sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của Việt Nam. Đây cũng là sản phẩm nông nghiệp đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.
Hội chợ là hoạt động xúc tiến thương mại, là cầu nối để các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh tăng cường hoạt động liên kết mở rộng giao thương hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Trao giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên. Ảnh: Thành Công
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận OCOP cho 12 chủ thể của 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao.
Cục Sở hữu trí tuệ trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý cam sành Hàm Yên cho UBND huyện Hàm Yên.
Lãnh đạo tỉnh và các đại biểu tham quan các gian hàng. Ảnh: Thành Công
Du khách đến từ Nhật Bản tìm hiểu các sản phẩm OCOP của tỉnh tại hội chợ. Ảnh: Quốc Việt.
Khách hàng lựa chọn các sản phẩm nông sản OCOP của gian hàng huyện Lâm Bình. Ảnh: Quốc Việt.
Ông Trần Nhật Lam, Phó Cục trưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới Trung ương:
Tỉnh Tuyên Quang đã nhiều cách làm sáng tạo, khai thác, lựa chọn những sản phẩm có tính đặc trưng vùng miền, những sản phẩm chủ lực để đầu tư phát triển, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng. Trong tổng số 79 sản phẩm được chứng nhận OCOP đã có 17 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, hoàn toàn có tiềm năng để phát triển lên 5 sao. Điển hình như cam sành Hàm Yên, chè Shan tuyết Hồng Thái (Na Hang), chè xanh Ngọc Thúy Sử Anh (Yên Sơn), mật ong hương rừng (TP Tuyên Quang)... đã khẳng định được chất lượng, người tiêu dùng ưa chuộng.
Với tiềm năng, thế mạnh và cách làm của Tuyên Quang, tôi tin tưởng rằng trong giai đoạn tiếp theo của Chương trình OCOP, Tuyên Quang không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Anh Nguyễn Công Sử, Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Sử Anh,
thôn Tân Thành, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn):
Hiện tại, HTX đang có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, gồm có Trà Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy, chè xanh Ngọc Thúy đinh, chè xanh Ngọc Thúy nõn. Để giữ vững thương hiệu, chúng tôi đi sâu vào chất lượng và giữ vững thị trường bền vững từ khâu chăm sóc, đến khâu sản xuất thành thành phẩm, nhằm tạo ra một chuỗi khép kín và các sản phẩm khi xuất xưởng sẽ được kiểm soát chặt chẽ. Thời gian tới, HTX tập trung quảng bá sản phẩm, đồng thời thâm canh tăng năng suất, chất lượng để nâng hạng sản phẩm và vươn ra thị trường thế giới.
Bà Nguyễn Thị Tươi, tổ 8, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang):
Gia đình tôi thường xuyên sử dụng các sản phẩm nông sản của địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP đã được đánh giá như cam sành Hàm Yên, bánh gai Chiêm Hóa, chè Shan tuyết Hồng Thái, bún khô Đà Vị… được bày bán ở các cửa hàng kinh doanh thực phẩn sạch, an toàn trên địa bàn thành phố Tuyên Quang. Tôi thấy việc đi chợ mua sắm trở nên dễ dàng hơn, chỉ cần ra cửa hàng là đã mua được những đặc sản vùng, miền trong tỉnh yên tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả. Tôi mong sẽ có nhiều sản phẩm OCOP hơn nữa để những người nội trợ có thêm sự lựa chọn cho gia đình.
Gửi phản hồi
In bài viết