Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua nghị quyết ngừng bắn tại Gaza: Hoài nghi một triển vọng hòa bình

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết ngừng bắn do Mỹ hậu thuẫn trong nỗ lực ngoại giao mới nhất, nhằm chấm dứt các cuộc tấn công quân sự tàn khốc của Israel ở Dải Gaza.

Dù Hamas hoan nghênh động thái này nhưng chỉ vài giờ sau cuộc bỏ phiếu hôm 10-6, Israel đã thực hiện các cuộc tấn công hủy diệt trên khắp Dải Gaza, khiến nhiều người hoài nghi về việc nghị quyết này có dẫn đến lệnh ngừng bắn vĩnh viễn hay không?


Các gia đình và người dân biểu tình tại Tel Aviv (Israel) ngày 11-6, yêu cầu thả ngay lập tức các con tin bị Hamas bắt cóc.
Ảnh: Reuters.

Nghị quyết kêu gọi một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện gồm ba giai đoạn, đã được 14 thành viên Hội đồng Bảo an thông qua. Đây là nghị quyết thứ tư kể từ cuộc tấn công ngày 7-10 năm ngoái của Hamas vào miền Nam Israel và Tel Aviv phát động cuộc chiến trả đũa tại Dải Gaza. Ba nghị quyết trước đó đều có tính ràng buộc về mặt pháp lý kể từ khi được Hội đồng Bảo an thông qua nhưng không mang tại tác dụng thực tế.

Tại nghị quyết lần này do Mỹ bảo trợ và được ủng hộ bởi tỷ lệ bỏ phiếu 14-0 (với Nga bỏ phiếu trắng), có nhiều điều khoản cụ thể hơn. Ví dụ, thỏa thuận đưa ra cách tiếp cận ba giai đoạn để đạt được "chấm dứt vĩnh viễn các hành động thù địch". Trong giai đoạn đầu tiên, mọi giao tranh sẽ dừng lại và một số con tin sẽ được trao trả để đổi lấy tù nhân Palestine. Nếu các cuộc đàm phán kéo dài hơn 6 tuần, lệnh ngừng bắn sẽ tiếp tục. Văn kiện này cũng kêu gọi người Palestine trở về nhà và khu vực lân cận của họ, đồng thời cộng đồng quốc tế sẽ chuyển giao các đơn vị nhà ở.

Cách tiếp cận trong đó có việc cung cấp nhà ở là mới so với các thỏa thuận ngừng bắn trước đó, việc này là cần thiết bởi hơn một nửa số tòa nhà ở Gaza đã bị phá hủy và hơn 80% dân số đã phải di dời. Nghị quyết này cũng liên quan rõ ràng đến các cuộc đàm phán đang diễn ra do Qatar thực hiện với sự giúp đỡ của Ai Cập và Mỹ để đạt được lệnh ngừng bắn. Đây là một kết quả tích cực khi Qatar đã đàm phán thành công về việc tạm dừng giao tranh trong 7 ngày vào tháng 11 năm ngoái. Nghị quyết hiện tại cũng bác bỏ bất kỳ thay đổi về lãnh thổ hoặc nhân khẩu học nào đối với Dải Gaza, đây là một sự bổ sung đáng hoan nghênh vì nhiều người lo ngại việc Israel tái chiếm Gaza.

Việc Hamas chấp nhận nghị quyết của Liên hợp quốc ủng hộ kế hoạch chấm dứt chiến tranh với Israel ở Gaza và sẵn sàng đàm phán chi tiết, được Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken coi là “một dấu hiệu hy vọng”.

Tuy nhiên, dù hiện tại nghị quyết đề cập cụ thể đến việc Israel đã "chấp nhận" các điều khoản trong thỏa thuận, nhưng trên thực tế, không có dấu hiệu nào cho thấy Tel Aviv sẽ tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp quốc tế. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu được cho là tỏ ra nghi ngờ về kế hoạch này. Đồng thời, văn phòng của ông nêu rõ, bất kỳ lệnh ngừng bắn vĩnh viễn nào trước khi đạt được "sự hủy diệt năng lực quản lý và quân sự của Hamas" là "không thể bắt đầu". Hamas muốn “ngừng bắn vĩnh viễn”, trong khi Israel muốn tiêu diệt Hamas như một điều kiện để dừng chiến tranh.

Quan chức cấp cao của Hamas Sami Abu Zuhri nhận định trên Reuters rằng: “Chính quyền Mỹ đang phải đối mặt với một thử thách thực sự trong việc buộc Israel phải chấm dứt ngay lập tức chiến tranh, thực thi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Đại diện của Israel tại Liên hợp quốc, Reut Shapir Ben-Naftaly cho biết, chiến tranh sẽ không kết thúc cho đến khi khả năng của Hamas bị “xóa bỏ”, đặt ra câu hỏi về việc liệu Israel có tôn trọng nghị quyết mới hay không. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Israel đã chỉ trích kế hoạch hòa bình do Tổng thống Joe Biden bảo trợ được Liên hợp quốc thông qua. Trang web Ynetnews của Israel đưa tin, cách diễn đạt của nghị quyết không phản ánh thỏa thuận mà Israel đã đồng ý, liên quan đến việc Hamas không còn quản lý Gaza và nghị quyết này hạn chế quyền tự do hành động của Tel Aviv.

Tại Dải Gaza hôm 11-6, người Palestine đã phản ứng thận trọng trước nghị quyết của Hội đồng Bảo an, lo ngại về sáng kiến ngừng bắn này cũng không đi đến đâu. Khi cuộc xung đột tàn khốc đang bước sang tháng thứ 9, bất kỳ sự ngừng chiến đấu nào nhằm giảm bớt nỗi đau khổ cho người Palestine đều được hoan nghênh. Tuy nhiên, nhiều người vẫn hoài nghi về sự thành công của nghị quyết này trong việc ngăn chặn bạo lực so với những nghị quyết trước đó. Thành công sẽ chỉ đến khi cả hai bên, đặc biệt là Israel với tư cách là bên có sức mạnh quân sự lớn hơn - cho thấy, họ sẵn sàng thực hiện lệnh ngừng bắn thông qua hành động cụ thể.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục