Lãnh đạo các nước thành viên GCC tham dự hội nghị thượng đỉnh lẩn thứ 42 tại Saudi Arabia.
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh các quốc gia Arab đang phải đối mặt với nhiều thách thức bao gồm hậu quả của đại dịch Covid-19, viễn cảnh đáng lo ngại của Afghanistan dưới sự cai trị của Taliban, cuộc xung đột ở Yemen và sự không chắc chắn về mức độ cam kết Mỹ đối với an ninh Trung Đông. Chính vì vậy, GCC đã cố gắng tìm ra biện pháp tiếp cận để giải quyết các vấn đề của khu vực một cách thực dụng hơn.
Theo trang Gulf International Forum, một trong những nội dung được chú ý tại hội nghị đó là mối quan hệ giữa các thành viên GCC với Iran. Hiện tại GCC đang nỗ lực thúc đẩy việc khôi phục lại Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA), hay còn gọi là thỏa thuận hạt nhân Iran đã bị cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump từ bỏ vào năm 2018. Sự tham gia tích cực của các quốc gia trụ cột Vùng Vịnh sẽ giúp giảm nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột có thể ảnh hưởng tới an ninh tại khu vực vốn đang tiềm ẩn nhiều bất ổn. Cách tiếp cận với Iran cũng được UAE và Saudi Arabia thay đổi sang hình thức mềm dẻo hơn so với trước đây nhằm tránh đối đầu và hướng tới những giải pháp ngoại giao. Điều này cũng được cố vấn của Tổng thống UAE Sheikh Khalifa bin Zayed Al Nahyan khẳng định gần đây rằng: “Cố gắng tránh xung đột bằng mọi giá là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích”.
Về lĩnh vực kinh tế, các nhà lãnh đạo GCC đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác để tăng cường cơ hội đầu tư, hoàn thành các yêu cầu của liên minh thuế quan và thị trường chung. Qua đó, công dân các nước GCC được quyền tự do làm việc, di chuyển và đầu tư cũng như tiếp cận bình đẳng với giáo dục và chăm sóc sức khỏe, xây dựng mạng lưới đường sắt Vùng Vịnh... Trên thực tế, lâu nay, giữa các thành viên GCC vẫn tồn tại nhiều khác biệt và có sự cạnh tranh không nhỏ về kinh tế giữa UAE, Saudi Arabia và Qatar. Điều này cản trở các bên đạt được đồng thuận trong nhiều chính sách chung. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, khi phải đối mặt với nhiều thách thức mang tính toàn cầu, chỉ hợp tác hiệu quả mới có thể vượt qua khó khăn. Vì vậy, các thành viên GCC sẽ đề cao lợi ích chung, giải quyết căng thẳng, nhằm tránh một cuộc khủng hoảng ngoại giao như đã xảy ra với Qatar năm 2017.
Một trong những kết quả được coi là đột phá tại hội nghị lần này, là các bên đạt được sự nhất trí về Hiệp định Phòng thủ lẫn nhau. Bất kỳ mối đe dọa nào với một trong số thành viên đều được xem như đe dọa GCC. Hội nghị cũng làm mới thỏa thuận liên quan đến cam kết của các quốc gia thành viên về hành động tập thể để đối đầu với mọi mối đe dọa và thách thức. Trong bản Tuyên bố chung đưa ra sau khi kết thúc hội nghị, các nhà lãnh đạo GCC khẳng định, an ninh và sự ổn định của các nước thành viên là không thể chia cắt, ủng hộ một giải pháp ngoại giao cho các cuộc xung đột; đồng thời, tăng cường vai trò của phụ nữ và thanh niên trong nền kinh tế và kinh doanh, thực hiện các sáng kiến liên quan đến biến đổi khí hậu.
Kết quả của Hội nghị thượng đỉnh GCC được ví như một biểu tượng tốt đẹp, chứng minh vai trò không thể thiếu của một tổ chức đúng vào năm kỷ niệm 4 thập kỷ thành lập. Sinem Cengiz, một chuyên gia nghiên cứu về Vùng Vịnh cho rằng, bằng sự thống nhất và đoàn kết được thể hiện qua Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 42, GCC đã chứng minh tổ chức này có thể đứng vững sau nhiều năm thử thách.
Gửi phản hồi
In bài viết