11h15: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu bế mạc hội nghị.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm phát biểu bế mạc hội nghị. Ảnh: Thành Công
Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị cấp ủy các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, nhất là người đứng đầu cần thẳng thắn, nghiêm túc đánh giá, phân tích đầy đủ, chính xác tồn tại, hạn chế và nguyên nhân thuộc lĩnh vực, cơ quan, đơn vị, địa phương mình phụ trách; trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp khẩn trương khắc phục để thực hiện hiệu quả, sát với tình hình thực tế. Trong quý II và thời gian tiếp theo, các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra, trọng tâm là khẩn trương hoàn thành việc nghiên cứu, quán triệt, học tập và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII; lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 đúng luật, thực sự là ngày hội của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và đạt kết quả cao nhất.
Các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2021 đảm bảo kết quả và tiến độ đề ra. Trọng tâm là thực hiện Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang tại Thông báo số 38, ngày 05/3/2021 của Văn phòng Chính phủ. Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp; chủ động nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển; chỉ đạo sản xuất nông, lâm nghiệp bảo đảm kế hoạch đề ra; thiết thực hưởng ứng và thực hiện có hiệu quả Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 theo Đề án của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai và các công trình giao thông trọng điểm...
Với tinh thần tập trung, quyết tâm, quyết liệt, chủ động, sáng tạo và linh hoạt, bắt tay ngay vào công việc, tạo sự lan tỏa từ tỉnh đến cơ sở. Đồng chí đề nghị các cấp, các ngành tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ được giao, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã đề ra. Đồng chí tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành, đội ngũ cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân sẽ thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021.
11h07: Thi đua khen thưởng.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Cờ thi đua cho 6 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy đạt thành tích xuất sắc nhiệm kỳ 2015 - 2020; tặng Bằng khen cho 4 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy có thành tich xuất sắc trong nhiệm kỳ 2015 - 2020; tặng Bằng khen cho 2 đảng bộ cấp huyện, 2 Đảng bộ cơ sở hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong nhiệm kỳ 2015-2020; 11 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở 5 năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm tặng Cờ thi đua cho 6 Đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy
có thành tích xuất sắc nhiệm kỳ 2015 - 2020. Ảnh Thành Công
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung trao Bằng khen cho các tập thể.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn trao Bằng khen cho các tập thể.
10h58: Thảo luận vào nội dung các đề án.
Đồng chí Hà Trung Kiên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính.
Đồng chí Hà Trung Kiên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài chính: cơ chế chính sách còn có những hạn chế, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư của tỉnh. Điển hình như tiền thuê đất ở một số lĩnh vực miễn phí hoàn toàn nên giảm thu, cần rà soát điều chỉnh cho phù hợp; xem xét tỷ lệ thu và chi thường xuyên cho phù hợp.
10h33: Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tinh ủy, Chủ tịch UBMT Tổ quốc tỉnh trình bày dự thảo Đề án về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đồng chí Nguyễn Hưng Vượng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tinh ủy,
Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Dự thảo Đề án về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đề ra mục tiêu: nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh vững mạnh. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội theo phương châm "Hướng mạnh về cơ sở, chăm lo nhu cầu, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân", đổi mới công tác vận động quần chúng theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức hội và đội ngũ cán bộ chuyên trách đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chú trọng hiệu quả tuyên truyền, vận động, tập hợp quần chúng nhân dân… Phấn đấu đến năm 2025, duy trì tỷ lệ tập hợp, thu hút quần chúng tham gia vào tổ chức chính trị - xã hội bình quân đạt trên 80%. Quan tâm xây dựng tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước, đến năm 2025 phấn đấu 100% doanh nghiệp có từ 20 lao động thường xuyên trở lên có tổ chức công đoàn. Hằng năm, phấn đấu có trên 90% cán bộ, đoàn viên, hội viên được học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước...
10h25: Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 và dự thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Vân Đình Thảo, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Đề án thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025: Tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài theo hướng chọn lọc, lựa chọn lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư, tăng cường hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư. Trong đó tập trung thu hút đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án có chất lượng, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, thân thiện với môi trường phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển chung của tỉnh, có số thu ngân sách lớn. Quan tâm thu hút các dự án có quy mô lớn và vừa, sản phẩm cạnh tranh, tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, có giá trị gia tăng cao; ưu tiên thu hút các dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt, dự án thu gom xử lý nước thải, rác thải đô thị, rác thải trong khu công nghiệp; dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích gắn phát triển chăn nuôi với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Mục tiêu giai đoạn 2021-2025, thu hút được khoảng 45.000 - 50.000 tỷ đồng, trong đó vốn FDI khoảng 15.000 – 20.000 tỷ đồng.
Dự thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 mục tiêu: Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, trong đó chú trọng sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu thị trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ lệ lao động trong ngành dịch vụ, công nghiệp, giảm tỷ lệ lao động trong ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản… Đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 72%, trong đó tỷ lệ lao động có bằng, chứng chỉ trên 30% lực lượng lao động; tạo việc làm cho trên 110.000 lao động. Cơ cấu nhân lực trong các ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng giảm dần lao động ngành nông lâm nghiệp, thủy sản, tăng dần lao động ngành công nghiệp, dịch vụ: Nông lâm nghiệp, thủy sản 42%; công nghiệp, xây dựng 26%; dịch vụ 32%... Định hướng mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ khoảng 40% lực lượng lao động.
9h54: Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo Đề án về tạo nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước, giai đoạn 2021-2025.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đề án Phát triển nguồn thu và tăng cường quản lý ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu phải được bao quát đầy đủ các nguồn thu trên địa bàn đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản thu NSNN theo quy định, đưa ra các giải pháp cụ thể tạo nguồn thu phấn đấu đạt mục tiêu: Thu NSNN đến năm 2025 đạt trên 5.300 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đến năm 2025 phấn đất đạt trên 5.000 tỷ đồng, tăng thu bình quân giai đoạn 2021 - 2025 là 20,3%, tỷ lệ huy động thu nội địa/GRDP đạt trên 9,5% cao hơn so với năm 2020.
Phấn đấu thực hiện đến mức cao nhất mục tiêu tài chính - NSNN giai đoạn 2021-2025, tăng cường kỷ cương, kỷ luật ngân sách; đẩy mạnh tái cấu trúc chi NSNN, thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công, ưu tiên dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương, các chính sách an sinh xã hội và thực hiện 3 khâu đột phá, 5 nhiệm vụ trọng tâm góp phần từng bước đưa Tuyên Quang trở thành tỉnh phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu miền núi phía Bắc.
9h40: Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm kết luận nội dung phần thảo luận đề cao các ý kiến tham gia vào các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp thuê đất hộ nông dân sản xuất hàng hóa; đẩy mạnh phát triển tổ hợp tác, hợp tác xã, thực hiện sản xuất hàng hóa theo chuỗi; tăng cường xúc tiến quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng sản phẩm OCOP.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm kết luận nội dung thảo luận. Ảnh: Thành Công
Về dự thảo Đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 cần tập trung vào các giải pháp nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng chí giao cho Ban Dân tộc tỉnh tham mưu chỉnh sửa, hoàn thiện đề án.
9h00: Hội nghị tiến hành thảo luận.
Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh.
Đồng chí Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: Cần có thêm chính sách hỗ trợ các nghệ nhân, người am hiểu văn hóa truyền thống. Tăng cường thể hiện tính liên thông giữa văn hóa với du lịch.Thêm dân tộc Mông vào nhóm được ưu tiên đầu tư hỗ trợ, thuộc nhóm dân tộc ít người, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Đồng chí Nguyễn Văn Việt, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Định hướng bằng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp chứ không áp đặt quá sâu đối với người nông dân về việc trồng cây gì, nuôi con gì. Song song với việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cần phải đẩy mạnh liên kết sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã. Làm tốt công tác quản lý khâu đầu vào sản xuất trong chăn nuôi.
Đồng chí Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn.
Đồng chí Phạm Ninh Thái, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Yên Sơn: Cần bổ sung thêm sản phẩm nuôi ong lấy mật vào danh mục các sản phẩm ưu tiên trong đề án; thêm các giải pháp liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp cần đưa vào mô hình cho doanh nghiệp thuê đất của người dân. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương.
Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Sơn Dương: Cần có thêm giải pháp đầu ra cho các sản phẩm lâm sản, để nông nghiệp phát triển bền vững. Đầu tư chế biến nông sản vốn đã có nhiều giải pháp xây dựng nhà máy chế biến nhưng còn thiếu cơ chế thu hút đầu tư các nhà máy chế biến. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, ưu tiên xây dựng thương hiệu các sản phẩm hữu cơ. Chăn nuôi cần tập trung tổ chức theo trang trại, gia trại đảm bảo bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình.
Đồng chí Nguyễn Thành Trung, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình cho rằng vùng sản xuất phía Bắc Na Hang, Lâm Bình bổ sung thêm cây lúa đặc sản trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp; lĩnh vực chăn nuôi bổ sung thêm đàn dê núi ở khu vực này. Trong định hướng xây dựng nhãn hiệu thương hiệu cần định hướng thêm các sản phẩm trong đó có thêm sản phẩm chè.
Đồng chí Ma Phúc Hà, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Chiêm Hóa đề nghị cho thêm nội dung đánh giá lợi thế so sánh cây lạc trên địa bàn các xã huyện Chiêm Hóa.
Đồng chí Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang.
Đồng chí Mai Đức Thông, Tỉnh ủy viên, Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang thảo luận làm rõ các nội dung về phát huy giá trị truyền thống. Nên thay cụm từ khôi phục, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa. Không nên sử dụng cụm từ xây dựng mô hình văn hóa truyền thống. Cơ cấu ngành nông nghiệp cần có quan điểm mục tiêu rõ hơn. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vận còn rất lớn, việc xử lý các bao bì còn gặp nhiều khó khăn, thiếu hướng xử lý, tồn dư rất lớn. Cần đẩy mạnh sử dụng sản xuất hữu cơ nhằm bảo vệ môi trường.
8h35: Định hướng thảo luận, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm đề nghị các đại biểu cho ý kiến đánh giá, phân tích cụ thể các kết quả phát triển nông, lâm nghiệp thủy sản trên cơ sở đánh giá theo các vùng sản xuất, các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP, sản xuất theo chuỗi, khâu bảo quản sản phẩm... Đại biểu cần tập trung cho ý kiến làm rõ tính khả thi các mục tiêu cụ thể của đề án, giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả phù hợp với điều kiện thực tiễn của tỉnh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Chẩu Văn Lâm định hướng thảo luận. Ảnh: Thành Công
8h00: Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trình bày dự thảo Đề án tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản theo chuỗi liên kết đảm bảo chất lượng, giá trị gia tăng cao gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030 và Dự thảo đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng chí Nguyễn Thế Giang, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ảnh: Thành Công
Mục tiêu của Đề án nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh nông sản. Tổ chức lại sản xuất, chế biến, phân phối nông sản. Các sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa chủ lực, đặc sản cơ bản được sản xuất theo hình thức tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác); giảm thiểu tác động bất lợi về môi trường; nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn tài nguyên; quản lý và sử dụng hiệu quả, an toàn các loại hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải từ chăn nuôi, trồng trọt, công nghiệp chế biến và làng nghề… Đến năm 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 11.348,7 tỷ đồng, tăng bình quân trên 4%/năm. Cơ cấu nông, lâm nghiệp, thủy sản đến năm 2025: Nông nghiệp chiếm 76,7% (giảm 7,2%), lâm nghiệp chiếm 18,8% (tăng 5,5%), thủy sản chiếm 4,5% (tăng 1,7%). Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản được sản xuất theo các hình thức hợp tác và liên kết đạt trên 30%; xây dựng 116 liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản, trong đó có ít nhất 76 chuỗi sản phẩm thực hiện liên kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm… Đến năm 2030, giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản tăng bình quân 3%/năm; tỷ lệ được sản xuất dưới các hình thức hợp tác liên kết đạt trên 60%.
Các đồng chí đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Thành Công
Đề án định hướng sản xuất theo các vùng: vùng núi cao phía Bắc gồm các huyện Na Hang, Lâm Bình; vùng đồi núi phía Bắc các huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên; vùng trung tâm gồm huyện Yên Sơn, thành phố Tuyên Quang; vùng phía Nam gồm huyện Sơn Dương.
Đề án đề ra 11 nhóm giải pháp thực hiện: Phát triển sản xuất theo lĩnh vực, sản phẩm, vùng về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, các đặc sản địa phương; đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả các hình thức tổ chức sản xuất, quản lý trong nông nghiệp, nông thôn; ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp hàng hóa; xây dựng, quảng bá, bảo vệ thương hiệu, xúc tiến thương mại, quản lý chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh sản phẩm; xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản và ứng dụng công nghệ cao; phát triển hợp tác, liên kết sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp, hạ tầng nông thôn; bảo vệ môi trường, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch; kinh phí thực hiện đề án.
Dự thảo đề án thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội; giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập so của đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh so với bình quân chung của cả nước; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, cải thiện rõ rệt đời sống của nhân dân; nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động là người dân tộc thiểu số; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đi đôi với xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước...
Giai đoạn 2026–2030, giảm hộ nghèo dân tộc thiểu số xuống dưới 10%. Cơ bản không còn các xã, thôn đặc biệt khó khăn; phấn đấu 100% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới; có 40% lao động người DTTS biết làm các ngành nghề: công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, du lịch, dịch vụ; phấn đấu có 80% hộ nông dân người dân tộc thiểu số làm kinh tế nông - lâm nghiệp hàng hóa; xóa tình trạng nhà ở tạm, dột nát; ngăn chặn tình trạng suy thoái môi trường sinh thái, duy trì, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng; trên 85% số xã, thôn bản vùng đồng bảo dân tộc thiểu số có đủ cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân…
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thành Công
Các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.
Gửi phản hồi
In bài viết