Các đại biểu đã thảo luận về các lợi ích và giá trị chung cũng như sự hợp tác với tư cách là các đối tác về kinh tế và an ninh, trong các chủ đề được coi là cấp bách nhất hiện nay với mong muốn thể hiện sự đoàn kết mạnh mẽ hơn trước các thách thức.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 tại Liverpool (Anh).
Theo trang Independent, cuộc họp là một buổi “làm quen” với Bộ trưởng Ngoại giao mới của Đức Annalena Baerbock. Đây cũng là cuộc họp quốc tế lớn đầu tiên của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, người vừa được bổ nhiệm vào tháng trước. Những lo ngại về việc Nga tăng cường quân đội gần khu vực biên giới Ukraine, nỗ lực cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, phản ứng toàn cầu với đại dịch Covid-19 trước sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron, đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển tài chính… nằm trong chương trình nghị sự thuộc sự kiện lớn cuối cùng trong năm của Anh với tư cách là Chủ tịch G7.
Theo trang DW, các bộ trưởng G7 đã thảo luận về kế hoạch kiềm chế các hành động của Nga trước lo ngại về việc Mátxcơva có động thái quân sự nhằm vào Ukraine, dù Điện Kremlin đã nhiều lần phủ nhận cáo buộc này. Các bộ trưởng G7 ủng hộ cam kết của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc hỗ trợ Ukraine và cảnh báo Nga về việc triển khai các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc. Khi đề cập đến các biện pháp trừng phạt kinh tế, Bộ trưởng Ngoại giao Anh Lizz Truss cho biết, G7 đang “xem xét tất cả các lựa chọn”.
Tuy nhiên, hãng tin Reuters thông tin, không có thỏa thuận rõ ràng về việc có áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu. Ba Lan và Mỹ đã kêu gọi Đức trì hoãn việc cấp phép hoạt động cho đường ống này như một lời cảnh báo với Nga về vấn đề Ukraine.
Cuộc họp của các nhà ngoại giao hàng đầu từ Anh, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Italia và Nhật Bản cũng diễn ra khi các nhà đàm phán đang gặp nhau tại Vienna (Áo) để cố gắng hồi sinh một thỏa thuận hạt nhân lịch sử vốn đang trên bờ vực đổ vỡ. Bộ trưởng Ngoại giao Anh cảnh báo, các cuộc đàm phán tại Vienna là “cơ hội cuối cùng” để Iran trở lại các cam kết trong thỏa thuận, đổi lại các lệnh trừng phạt kinh tế được nới lỏng.
Tổng thống Mỹ J.Biden cho biết, ông sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận và các quan chức Iran cũng khẳng định họ nghiêm túc trong việc thể hiện cam kết với các cuộc đàm phán. Song các cường quốc phương Tây lại cáo buộc Tehran đã bị tụt hậu so với những tiến bộ đạt được hồi đầu năm nay và đang “câu giờ”.
Bên cạnh đó, các bộ trưởng G7 cũng thảo luận nhiều vấn đề như phản ứng toàn cầu đối với đại dịch Covid-19, các vấn đề địa chính trị và an ninh, bình đẳng giới… Theo trang web của chính phủ Anh, tuyên bố của Chủ tịch G7 nhấn mạnh thế giới đang đối mặt với mối đe dọa từ biến chủng Omicron, tái khẳng định cam kết của nhóm này đóng góp cho nỗ lực tiêm chủng vắc xin của thế giới năm 2022, đồng thời xác nhận 657 triệu liều vắc xin đã được chia sẻ bởi G7 kể từ Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng 6.
Các bộ trưởng ngoại giao G7 đã có hội nghị với các bộ trưởng ngoại giao ASEAN. Đây được đánh giá là nỗ lực của nước Chủ tịch trong việc hợp tác chặt chẽ hơn với các quốc gia châu Á, đồng thời thúc đẩy trao đổi thương mại giữa Anh và các đối tác sau khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU)...
Với nỗ lực của Anh trên cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2021, G7 đã thể hiện tinh thần hợp tác và cố gắng tìm tiếng nói thống nhất trong nhiều vấn đề. Đức sẽ đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên G7 vào năm 2022.
Gửi phản hồi
In bài viết