Trụ sở WTO. (Nguồn: AFP)
Đại hội đồng Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ngày 1/3 đã bắt đầu phiên họp với sự tham dự của các đại diện từ 164 quốc gia thành viên.
Do ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, cuộc họp kín của Đại hội đồng kéo dài trong hai ngày (1-2/3) chủ yếu diễn ra bằng cầu truyền hình dưới sự chủ tọa của Đại sứ David Walker của New Zealand.
Phát biểu trước Đại hội đồng WTO ngay sau khi nhậm chức, tân Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi các thành viên “làm những điều khác biệt” để đạt được những cải cách cần thiết nhằm giữ cho WTO phù hợp, bắt đầu bằng hành động nhanh chóng nhằm hạn chế trợ cấp nghề cá có hại, và giúp mở rộng quy mô sản xuất và phân phối vắcxin ngừa COVID-19.
Tân Tổng Giám đốc thứ bảy của WTO lưu ý rằng kỳ vọng cao đối với nhiệm kỳ của bà chỉ có thể được đáp ứng nếu các thành viên sẵn sàng thỏa hiệp và đạt được các thỏa thuận.
164 quốc gia thành viên WTO tiến hành thảo luận về đề xuất cải cách nghề cá với các quy định mới của WTO về trợ cấp thủy sản có thể đưa ra vào thời gian sớm nhất có thể. WTO với hoạt động xây dựng các hiệp định có thể đảm bảo thương mại quốc tế thông suốt, đang phải đối mặt với những khó khăn như chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng.
Cơ quan Phúc thẩm, đôi khi được gọi là tòa án tối cao về thương mại thế giới, đã tạm dừng vào tháng 12/2019 sau nhiều năm vấp phải sự không ngừng phản đối của Mỹ.
Các quy tắc thương mại về phân phối vắcxin COVID-19 cũng đã được bà Okonjo-Iweala xác định là vấn đề ưu tiên.
Nhiều quốc gia thành viên WTO kêu gọi cơ chế miễn trừ đặc biệt về quyền sở hữu trí tuệ cho mục đích sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 trên toàn cầu.
Đề xuất này vẫn tuân thủ các hiệp định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (gọi là TRIPS) trong một khoảng thời gian nhất định.
Hàng chục quốc gia nói rằng điều này sẽ giúp thúc đẩy sản xuất và tiếp cận vắcxin, từ đó sẽ kiềm chế đại dịch sớm hơn, nhưng quan điểm này đã bị các "ông lớn" dược phẩm và các quốc gia tiếp nhận chúng bác bỏ.
Tân Tổng giám đốc WTO đã kêu gọi sự linh hoạt, tập trung làm việc với các công ty để mở và cấp phép cho các địa điểm sản xuất khả thi hơn hiện nay ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển.
Trong một nỗ lực tránh gây tranh cãi vào ngày làm việc đầu tiên, bà Ngozi đã kêu gọi sự linh hoạt, khuyến khích các thỏa thuận cấp phép tự nguyện, chẳng hạn như thỏa thuận giữa AstraZeneca và Viện Huyết thanh của Ấn Độ. Chúng ta phải kêu gọi họ làm việc với chúng ta về cách thức và chuyển giao công nghệ ngay từ bây giờ.
Tân Tổng giám đốc WTO hy vọng sẽ sớm có một hội nghị sản xuất thế giới, nơi có thể tìm cách xây dựng mối quan hệ đối tác này.
Thời gian và địa điểm tổ chức Hội nghị Bộ trưởng WTO lần thứ 12 (MC12) dự kiến được tổ chức tại Kazakhstan vào năm ngoái nhưng đã bị trì hoãn do đại dịch cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc họp Đại hội đồng.
Các thành viên WTO ngày 1/3 đã nhất trí MC12 sẽ diễn ra vào ngày 29/11/2021 tại Geneva, Thụy Sĩ.
MC12 ban đầu dự kiến diễn ra từ ngày 8-11/6/2020 tại thủ đô Nur-Sultan của Kazakhstan, nhưng đã bị hoãn lại do đại dịch COVID-19.
Tháng 5/2020, các thành viên WTO đã thảo luận về đề nghị của Kazakhstan để dời hội nghị đến tháng 6/2021.
MC12 sẽ do Bộ trưởng Thương mại và Hội nhập Kazakhstan Bakhyt Sultanov chủ trì, theo sự chấp thuận của các thành viên WTO vào tháng 12/2019./.
Gửi phản hồi
In bài viết