Các đại biểu tham dự cuộc họp tại Cape Town (Nam Phi).
Nhiều nội dung quan trọng đã được Bộ trưởng Ngoại giao Brazil - Mauro Vieira, Nga - Sergei Lavrov, Ấn Độ - Subrahmanyam Jaishankar, Nam Phi - Naledi Pandor, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Mã Triều Húc bàn thảo, trong đó tập trung vào các vấn đề đang được quan tâm trên toàn cầu.
Trong Tuyên bố chung có chủ đề “Mũi Hảo Vọng”, BRICS tái khẳng định cam kết tăng cường khuôn khổ hợp tác theo 3 trụ cột, gồm: Hợp tác chính trị và an ninh; kinh tế và tài chính; văn hóa và giao lưu nhân dân. Đồng thời đề cao tinh thần của khối là tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, bình đẳng, đoàn kết và đồng thuận. BRICS cũng chỉ ra tác động đối với nền kinh tế thế giới từ các cách tiếp cận đơn phương vi phạm luật pháp quốc tế và cũng lưu ý tình hình còn phức tạp hơn nữa bởi các biện pháp cưỡng chế kinh tế như trừng phạt, tẩy chay, cấm vận và phong tỏa... Để bảo đảm an ninh toàn cầu, các bộ trưởng cũng kêu gọi tăng cường hành động chống khủng bố, kiểm soát vũ khí, giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân. Các bên nhắc lại lập trường quốc gia liên quan đến tình hình Ukraine và ghi nhận, đánh giá cao các đề xuất có liên quan về hòa giải nhằm giải quyết cuộc xung đột thông qua đối thoại và ngoại giao.
Tuyên bố chung cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khuyến khích sử dụng đồng nội tệ trong các giao dịch thương mại và tài chính quốc tế giữa BRICS cũng như các đối tác thương mại; tái khẳng định các nỗ lực thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, được thông qua tại Hội nghị lần thứ 21 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 21) ở Paris (Pháp).
Theo nhận định của nhiều nhà bình luận, chương trình nghị sự hướng tới Hội nghị Thượng đỉnh BRICS cho thấy tham vọng của các quốc gia thành viên trong việc nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng trên các diễn đàn thế giới. Điều này được khẳng định thông qua phát biểu của Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar: “Cuộc họp gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, thế giới là đa cực, thế giới đang tái cân bằng và những cách thức cũ không thể giải quyết các tình huống mới”.
Từng được coi là một liên kết lỏng lẻo của các nền kinh tế mới nổi khác nhau, BRICS những năm gần đây đã định hình cụ thể và đang ngày càng thể hiện vai trò với các vấn đề toàn cầu. Hiện tại, 5 nền kinh tế trong nhóm đang đóng góp tới 31,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên thế giới và dự đoán đến năm 2030, con số này là 50%. Chuyên gia Cobus van Staden của Viện Các vấn đề quốc tế Nam Phi nhận định: “BRICS đang tự định vị mình là một đối trọng, có thể thay thế vai trò của phương Tây trong nhiều lĩnh vực, đồng thời là sân chơi cho các cường quốc mới nổi...”. Nhận định này cũng được nhiều nhà phân tích đồng tình, nhất là trong bối cảnh Nga đang chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây, trong khi căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều khả năng BRICS sẽ phát triển thành mô hình đối trọng với Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) trong tương lai. Để nhanh chóng đạt được mục tiêu đề ra, các nhà lãnh đạo BRICS cho biết sẵn sàng kết nạp thành viên mới, bao gồm cả các cường quốc dầu mỏ ở Trung Đông và trên khắp thế giới như Venezuela, Argentina, Iran, Algeria, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)… Nếu các cường quốc xuất khẩu dầu mỏ gia nhập BRICS, vị thế của nhóm này sẽ được khẳng định trong một thế giới “đa cực”, “đa trung tâm”.
Gửi phản hồi
In bài viết