Các đại biểu tham dự Hội nghị Hợp tác và Đối tác Baghdad.
Hội nghị Hợp tác và Đối tác Baghdad có sự tham dự của lãnh đạo và các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Đông như Ai Cập, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Saudi Arabia, Jordan, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran.
Các đại biểu khác bao gồm Tổng Thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh Nayef Al-Hajraf, đại diện từ các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và Liên minh châu Âu (EU). Đặc biệt, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo duy nhất ngoài khu vực tham dự với vai trò đồng chủ trì.
Thủ tướng nước chủ nhà Mustafa Al-Kadhimi cho biết, hội nghị được tổ chức vào một thời điểm quan trọng và mang tính lịch sử, thể hiện tầm nhìn của Iraq trong việc thiết lập quan hệ tốt hơn với các quốc gia trên thế giới và cam kết với người dân rằng Iraq sẽ trở lại vai trò là một nhân tố quan trọng hàng đầu trong khu vực. Ông bày tỏ hy vọng hội nghị sẽ hướng tới sự hợp tác kinh tế giữa các nước và nhấn mạnh rằng “Iraq đã thực hiện các bước để tạo thuận lợi cho các khoản đầu tư”.
Trong một cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Iraq Fuad Hussein cho biết, Baghdad đã cố gắng tập hợp nhiều bên có sự khác biệt và tạo ra bầu không khí quan hệ đối tác trong khu vực. Quan chức ngoại giao Iraq hy vọng hội nghị sẽ giảm bớt áp lực và căng thẳng trong khu vực và sẽ có nhiều hội nghị như vậy sau này.
Theo Arab News, Tổng thống Pháp E.Macron đã mô tả đây là cuộc gặp “lịch sử”, cho thấy sự ổn định trở lại của Iraq sau cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Hiện Baghdad đang tìm cách tăng cường quan hệ kinh tế với các nước láng giềng và mở cửa cho các khoản đầu tư cũng như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn tại các khu vực bị thiệt hại trong cuộc chiến chống các phần tử cực đoan. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) hoan nghênh Chính phủ Iraq, với sự hỗ trợ của Pháp, đã giúp sự kiện này có thể diễn ra.
Bên cạnh các nội dung chính về an ninh, hợp tác kinh tế, các đại biểu tham gia hội nghị cũng đã thảo luận về cuộc khủng hoảng nước trong khu vực, xung đột ở Yemen và cuộc khủng hoảng kinh tế, chính trị ở Lebanon. Nhà phân tích chính trị Ihsan Al-Shammari tại Baghdad cho rằng: “Hội nghị này đánh dấu sự trở lại của Iraq với tư cách là một nhân tố quan trọng trong khu vực”. Đánh giá về sự kiện, cựu Phó Thủ tướng Jordan Mamdouh Al-Abadi chia sẻ với Arab News rằng, ngay cả những cuộc họp ít quan trọng nhất giữa các nhà lãnh đạo vẫn tốt hơn là không có cuộc họp nào diễn ra.
Theo Reuters, các quan chức Iran và một số nước Arab vùng Vịnh cũng đã có các cuộc tiếp xúc tại Baghdad bên lề hội nghị khu vực. Các cuộc gặp diễn ra nhiều tháng sau khi Iran và Saudi Arabia nối lại đàm phán trực tiếp tại Iraq vào hồi tháng 4-2021. Sự kiện này dù không đạt được bước đột phá nào nhưng đã giúp xoa dịu căng thẳng leo thang ở Trung Đông. Dù không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa đại diện của Iran và Saudi Arabia tại Baghdad, song Iraq cho biết các cuộc đàm phán giữa hai nước nhằm cải thiện mối quan hệ vẫn đang tiếp tục. Những động thái thiện chí thể hiện mong muốn đối thoại cũng là cơ sở quan trọng để duy trì bầu không khí hợp tác, hướng tới giải quyết bất đồng và tránh làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Gửi phản hồi
In bài viết