Các ngoại trưởng EU tham dự cuộc họp không chính thức tại Brest, Pháp.
Cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng EU, còn được gọi là Gymnich theo tên địa điểm đầu tiên sự kiện này được tổ chức. Các cuộc họp Gymnich là cơ hội để các nhà ngoại giao hàng đầu thảo luận cởi mở và mang tính chiến lược về các ưu tiên trong chính sách đối ngoại của liên minh; các vấn đề quốc tế đang đặt ra. Theo truyền thống, các ngoại trưởng châu Âu tổ chức họp không chính thức 6 tháng 1 lần tại quốc gia giữ chức Chủ tịch luân phiên. Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Josep Borrell giải thích, “kiến trúc an ninh châu Âu là trọng tâm thảo luận” trong cuộc họp hai ngày của các ngoại trưởng EU.
Đây cũng là cơ hội để ngoại trưởng các nước EU thảo luận về kết quả các cuộc đàm phán giữa Nga và phương Tây trong tuần qua về an ninh châu Âu cũng như tình hình xung quanh vấn đề Ukraine, bao gồm cuộc đàm phán về bảo đảm an ninh giữa Mỹ và Nga ở Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 10-1, cuộc họp giữa Nga và các thành viên Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 12-1 tại Geneva (Thụy Sĩ) và cuộc họp của Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) vào ngày 13-1 tại Vienna (Áo). Các cuộc gặp được đánh giá là chưa đưa ra được bất kỳ kết quả đột phá nào, song đã ghi nhận thiện chí của các bên trong việc đối thoại để tìm hướng tháo gỡ bất đồng. Theo trang AA, Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU cho biết, khối này bác bỏ nỗ lực của Nga trong việc “xây dựng các vùng ảnh hưởng” ở châu Âu. Phát biểu tại cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian sau cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng EU, ông J.Borrell khẳng định: “Chúng tôi vẫn cởi mở đối thoại với Nga, nhưng không bao giờ đánh đổi tự do, chủ quyền, độc lập và sự tôn trọng các giá trị cơ bản của chúng tôi”. Các ngoại trưởng EU cũng kêu gọi Nga giảm leo thang căng thẳng tình hình biên giới với Ukraine. Hiện tại, Pháp với tư cách Chủ tịch luân phiên Hội đồng EU đang mong muốn khởi động lại cơ chế đàm phán bộ Tứ Normandie bao gồm Đức, Pháp, Nga và Ukraine, với hy vọng sẽ "hạ nhiệt" căng thẳng trong quan hệ Nga - Ukraine và mở đường cho các nỗ lực đối thoại tiếp theo về an ninh tại châu Âu.
Bên cạnh các vấn đề an ninh châu Âu, các nhà ngoại giao EU cũng đã có cuộc thảo luận để đánh giá tình hình ở Mali và tiến trình đàm phán hạt nhân Iran. Các ngoại trưởng EU nhất trí tạm dừng viện trợ của khối cho Mali và chuẩn bị các biện pháp trừng phạt những ai cản trở quá trình chuyển đổi chính trị ở quốc gia Tây Phi này. Ông J.Borrell cũng ca ngợi “công việc quan trọng” của các đối tác quốc tế là nỗ lực đưa Mỹ và Iran trở lại bàn đàm phán sau khi các đại diện của Iran, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh và Đức tổ chức một số cuộc họp dưới sự chủ trì của EU vào tháng trước tại Vienna, Áo. Theo trang CGTN, quan chức EU cho biết một thỏa thuận mới với Iran về việc cắt giảm chương trình hạt nhân của nước này vẫn "có thể xảy ra" khi các cuộc đàm phán ở Vienna diễn ra trong bầu không khí tốt hơn và một thỏa thuận cuối cùng có thể được ký kết trong những tuần tới.
Hội nghị không chính thức của các ngoại trưởng EU không thể đưa ra các quyết định chính thức có ý nghĩa ràng buộc, song những nội dung được thảo luận lại mang tính định hướng cho các tầm nhìn chiến lược của châu Âu trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết