COP28 diễn ra vào thời điểm then chốt cho hành động toàn cầu về biến đổi khí hậu. Nhiệt độ tăng cao kỷ lục và tác động tiêu cực của thời tiết cực đoan như cháy rừng, lũ lụt, bão và hạn hán trên toàn thế giới đang khiến việc giải quyết các vấn đề khí hậu ngày càng trở nên cấp bách.
Các nhà khoa học nhận định, thế giới không còn nhiều thời gian hành động để giữ gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Thỏa thuận Paris tại COP21 hồi năm 2015. Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên hợp quốc cho rằng, mục tiêu này là rất quan trọng để tránh những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu.
Tuy vậy, nhân loại dường như đang chậm chân. Báo cáo của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) cho biết, có 66% khả năng là nhiệt độ toàn cầu gần bề mặt trung bình hằng năm sẽ cao hơn 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong ít nhất một năm trong 5 năm tới. Có 98% khả năng là ít nhất một trong 5 năm tới, và cả giai đoạn 5 năm nói chung, sẽ nóng nhất từng được ghi nhận.
Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas cho rằng, đây là hồi chuông cảnh báo rằng nhiệt độ trái đất sẽ tạm thời "vi phạm" mức trần 1,5 độ C, và điều này nhiều khả năng còn lặp lại với tần suất ngày càng tăng.
Trong bối cảnh đó, hội nghị lần này sẽ là cơ hội quan trọng để các nước thúc đẩy hành động trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Nước chủ nhà UAE thông báo, COP28 sẽ tập trung vào 4 mục tiêu chính. Thứ nhất là đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng, có trật tự và bình đẳng. Thứ hai là giải quyết vấn đề tài chính khí hậu. Thứ ba là đặt thiên nhiên, cuộc sống và sinh kế của người dân vào trung tâm của hành động vì khí hậu. Thứ tư là nỗ lực để đưa COP28 thành hội nghị toàn diện nhất từ trước đến nay. Trong đó, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng dự kiến sẽ là vấn đề chính.
Tuy nhiên, tham vọng lớn cũng đồng nghĩa COP28 sẽ đối mặt nhiều thách thức và nhiệm vụ khó khăn. Đơn cử, việc tìm tiếng nói chung trong chấm dứt hoạt động khai thác mới dầu mỏ, giảm dần và tiến tới dừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch được nhiều chuyên gia đánh giá “bất khả thi” trong bối cảnh các quốc gia vẫn còn chia rẽ về việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Liên minh châu Âu (EU) đang muốn thúc đẩy một thỏa thuận đầu tiên trên thế giới nhằm loại bỏ việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch gồm than, dầu và khí đốt trên toàn cầu, nhưng nhiều bên tham gia đàm phán tại COP28 được dự báo sẽ tiếp tục phản đối điều này.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hiện duy trì nhận định, thế giới cần phải giảm 25% việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030 và 95% vào năm 2050 để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Tuy vậy, dù thế nào thì COP28 cũng sẽ là cơ hội cuối cùng để đưa ra những cam kết đáng tin cậy về việc phải có những nỗ lực rõ ràng cho vấn đề biến đổi khí hậu trước khi mọi việc trở nên quá muộn, trong đó mục tiêu quan trọng là kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Dĩ nhiên, bên cạnh khó khăn, nỗ lực này có nhiều thuận lợi khi những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu hiển hiện, đã khiến nhiều quốc gia trở nên quyết tâm hơn trong việc triển khai các biện pháp ứng phó.
Thế giới 2 năm qua cũng chứng kiến một quá trình phi thường khi hàng trăm chuyên gia miệt mài thực hiện các đánh giá, phân tích nhằm đem lại những báo cáo khách quan và đặc biệt quan trọng phục vụ cho các giải pháp ứng phó trong tương lai. Nhiều trong số này sẽ được công bố tại COP28 tới đây.
Rõ ràng, cộng đồng quốc tế đang mong chờ một đột phá ở COP28, khi các nhà đàm phán có thể nỗ lực vượt qua khác biệt, tháo gỡ bất đồng để đạt được tiếng nói chung trong thực thi các biện pháp có ý nghĩa nhằm bảo vệ một trái đất xanh và bền vững cho toàn nhân loại.
Gửi phản hồi
In bài viết