Hội nghị Thượng đỉnh EU: Tăng tốc ứng phó với đại dịch Covid-19

Tuy còn nhiều bất đồng khi tham dự cuộc họp trực tuyến đầu tiên của khối trong năm 2021, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) vẫn tỏ rõ quyết tâm nỗ lực cùng nhau tăng tốc để ứng phó đại dịch Covid-19. Trong đó có mục tiêu 70% dân số EU được tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19 vào mùa hè tới.

EU đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ chiến dịch tiêm phòng vắc xin phòng Covid-19
cho người dân các nước thành viên.

Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tại nhiều nước tăng cao khiến hầu hết các thành viên EU phải phong tỏa một phần hoặc toàn phần đất nước. Đối mặt gần 29 triệu ca nhiễm bệnh và 435.000 người tử vong, tâm lý người dân Lục địa già càng bất an trước sự xuất hiện của chủng SARS-CoV-2 mới có nguồn gốc từ Anh, Nam Phi và một số quốc gia khác. Do đó, chương trình nghị sự lần này tập trung vào việc thảo luận cách thức triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin Covid-19, cũng như thực hiện các giải pháp để hạn chế đà lây lan của vi rút.

Vấn đề nổi cộm nhất được nêu ra là tăng tốc chiến dịch tiêm phòng vắc xin ngừa Covid-19, hướng tới mục tiêu 70% dân số EU được tiêm chủng phòng ngừa vào mùa hè tới. Việc phân phối vắc xin được các nước thành viên ủng hộ, tuy nhiên nhiều ý kiến chỉ trích khâu lựa chọn và đặt hàng vắc xin. Trong khi Mỹ, Anh, Canada... đặt mua vắc xin của Pfizer/BioNTech thì EU lại chọn Sanofi (Pháp) và AstraZeneca - là các sản phẩm đang gặp khó khăn trong phát triển và thử nghiệm, hoặc chưa được phê duyệt.

EU cũng bị chỉ trích vì đã quá cứng nhắc trong việc phê duyệt vắc xin, khiến các nước thành viên phải tới cuối năm 2020 mới có thể khởi động công tác tiêm chủng. Hệ quả là, trong khi Mỹ đã tiêm được trên 10 triệu dân, Anh tiêm được trên 3,5 triệu dân, nước giàu có bậc nhất EU như Đức cũng mới ở ngưỡng 95.000 dân (tính tới ngày 21-1). Để thay đổi tình hình, các lãnh đạo EU nhất trí cần phối hợp để tăng tốc độ tiêm chủng trên toàn khối, trong đó bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng đối với vắc xin. EU cũng nhất trí sẽ phê duyệt vắc xin AstraZeneca vào ngày 29-1 tới.

Nỗ lực này của EU có nhiều thuận lợi, bởi Tổng thống Mỹ Joe Biden từng đề cập tới việc đưa Washington trở lại Tổ chức Y tế thế giới (WHO). Châu Âu chờ đợi điều này không chỉ vì vai trò điều phối quan trọng của WHO trong nỗ lực chống dịch toàn cầu, mà còn bởi nước Mỹ thời gian qua đơn phương hành động trong việc thu mua vật tư y tế, vắc xin, không tham gia vào Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI). Các ý kiến trong hội nghị cũng thể hiện kỳ vọng sự trở lại của Mỹ sẽ cải thiện khả năng điều phối các nỗ lực chống dịch và hỗ trợ công nghệ cho các đối tác châu Âu.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, “hộ chiếu vắc xin Covid-19” - ý tưởng được Hy Lạp nêu ra với mong muốn cứu vãn mùa du lịch hè năm 2021 - phát sinh nhiều ý kiến trái chiều. Các nước EU có nền kinh tế phụ thuộc vào du lịch như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... ủng hộ đề xuất của Hy Lạp, nhưng nhiều nước lại phản đối. Pháp cho rằng châu Âu hiện đang trong giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm chủng, chưa xác định được hiệu quả thực tế của vắc xin, nên bàn việc này là quá sớm, nhất là trong bối cảnh nguồn cung vắc xin chưa ổn định. Với nhiều nước, việc áp dụng “hộ chiếu vắc xin Covid-19” cũng đồng nghĩa quy định tiêm vắc xin bắt buộc, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn chính trị trong bối cảnh làn sóng chống vắc xin ở một số nước EU tương đối cao.

Do còn có sự tranh cãi, các lãnh đạo EU tại hội nghị nhất trí chưa bàn sâu về “hộ chiếu vắc xin Covid-19”, mà sẽ cùng nhau thảo luận từ nay đến cuối tháng 1 này.

Trước diễn biến lây lan phức tạp của dịch bệnh, hơn bao giờ hết các nước EU cần tăng cường đoàn kết và nỗ lực chạy đua với thời gian. Và, đây cũng chính là thông điệp được các nhà lãnh đạo khối nhấn mạnh trong khuôn khổ hội nghị lần này.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục