Các nhà lãnh đạo EU tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu tại thành phố Porto (Bồ Đào Nha).
Cuộc gặp gỡ của các nhà lãnh đạo châu Âu lần này do Bồ Đào Nha, nước Chủ tịch luân phiên EU chủ trì theo hình thức trực tiếp, song các nhà lãnh đạo Đức, Hà Lan và Malta đã tham dự hội nghị theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cuộc khủng hoảng y tế tại Ấn Độ cũng như những tác động của nó đối với nỗ lực chung của thế giới nhằm ứng phó với dịch bệnh đã chi phối nội dung của hội nghị.
Trong một tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ tình đoàn kết với New Delhi trước làn sóng lây nhiễm chưa từng có và cam kết hợp tác trong cuộc chiến chống đại dịch. Trước thềm hội nghị, viện trợ khẩn cấp tới Ấn Độ gồm oxy, thuốc men và thiết bị y tế trị giá 100 triệu euro cũng được các nước thành viên huy động theo Cơ chế bảo vệ dân sự của EU.
Thừa nhận tiêm chủng mở rộng mang lại lợi ích công cộng toàn cầu, các nhà lãnh đạo châu Âu nhấn mạnh rằng quá trình tiêm chủng không phải là cuộc chạy đua giữa các quốc gia mà là cuộc chạy đua với thời gian. Các bên cam kết thúc đẩy an ninh y tế, bao gồm tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đối với các trường hợp khẩn cấp về y tế. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh sự đóng góp của EU vào việc sản xuất vắc xin và hỗ trợ đáng kể cho Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin phòng Covid-19 (COVAX).
Mặc dù vậy, lãnh đạo các nước EU vẫn chưa đưa ra quyết định về việc tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các loại vắc xin phòng Covid-19 vì cho rằng vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách hơn cần xem xét. Theo các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), một động thái như vậy đòi hỏi sự đồng thuận, vốn chỉ có thể đạt được bằng các cuộc đàm phán sâu rộng.
Phát biểu với báo giới, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursular von der Leyen nhận định, châu lục này cần tập trung vào những vấn đề cơ bản hiện nay như sản xuất càng nhiều vắc xin càng tốt và bảo đảm phân phối một cách công bằng, khách quan. Theo số liệu của EC, khối này chính là “nhà thuốc” của thế giới khi các hãng dược của châu Âu đã sản xuất khoảng 400 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 và 50% trong số đó đã được xuất khẩu sang 90 quốc gia khác. Bà U.Leyen hy vọng các nhà sản xuất vắc xin khác cũng làm điều tương tự để tháo gỡ vấn đề thiếu nguồn cung và phân phối vắc xin một cách công bằng.
Nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia thành viên EU cũng cùng chung quan điểm với Chủ tịch EC về vấn đề quyền sở hữu trí tuệ đối với vắc xin phòng Covid-19. Dù khẳng định sẵn sàng tham gia thảo luận vấn đề này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng đây không phải là giải pháp giúp tăng tốc độ tiêm chủng toàn cầu. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh, thay vì thực hiện biện pháp này, thế giới cần thúc đẩy khả năng sáng tạo và năng lực đột phá của các công ty dược phẩm, trong đó có việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để khuyến khích các hãng này tiếp tục nghiên cứu phương thuốc mới giúp ngăn ngừa hiệu quả các biến chủng của vi rút SARS-CoV-2.
Cách tiếp cận chung của châu Âu trong nỗ lực đương đầu với cuộc khủng hoảng toàn diện do đại dịch Covid-19 gây ra sẽ tiếp tục được các nhà lãnh đạo EU thảo luận trong một hội nghị thượng đỉnh trực tiếp, dự kiến diễn ra vào ngày 25-5 tới tại thủ đô Brussels (Bỉ).
Gửi phản hồi
In bài viết