Không nằm ngoài dự đoán, các nhà lãnh đạo của “ngôi nhà chung” 27 thành viên chưa tìm được tiếng nói chung trong các nội dung liên quan tới cuộc xung đột tại Dải Gaza và viện trợ tài chính cho Ukraine.
Hai chủ đề này được cho là sẽ tiếp tục thách thức tinh thần đoàn kết của khối tại hội nghị thượng đỉnh tiếp theo, dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.
Quang cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh châu Âu diễn ra tại Brussels (Bỉ).
Thách thức của hội nghị lần này là các quan điểm “lệch tông” giữa các nước thành viên EU. Pháp, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Ireland nhấn mạnh sự cần thiết phải tạm ngừng bắn vì lý do nhân đạo và bảo vệ thường dân Palestine theo luật pháp quốc tế. Trong khi những quốc gia khác như Đức, Séc và Áo ủng hộ hành động quân sự của Israel, cho rằng động thái này có thể hạn chế quyền tự vệ của Nhà nước Do Thái và cho phép phong trào Hamas tập hợp lại lực lượng.
Trên thực tế, dù cách xa khu vực xung đột về mặt địa lý, song EU không tránh khỏi các hệ lụy gây ra bởi sự leo thang bất ổn tại Trung Đông, bao gồm sự gia tăng căng thẳng giữa các cộng đồng, các cuộc tấn công tiềm tàng của những phần tử Hồi giáo cực đoan và dòng người tị nạn gia tăng.
Pháp, quốc gia có số lượng dân Do Thái và Hồi giáo cao nhất ở châu Âu, đang trải qua căng thẳng, đặc biệt là sau vụ sát hại một giáo viên do một người Hồi giáo gây ra, mà chính quyền cho rằng có liên quan đến các sự kiện ở Dải Gaza. Thực tế này cho thấy, nếu không có biện pháp ứng phó phù hợp, các quốc gia EU rất có thể phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng xã hội mới liên quan tới vấn đề này.
Mặc dù các nhà lãnh đạo EU đã đưa ra được một tuyên bố 19 điểm, nhưng không đề cập tới “ngừng bắn” mà chỉ sử dụng từ “tạm dừng” để bày tỏ quan điểm liên quan tới tình hình tại Dải Gaza.
Một phần nội dung tuyên bố kêu gọi thông qua tất cả biện pháp cần thiết, bao gồm thiết lập hành lang nhân đạo và các lần “tạm dừng” cho nhu cầu nhân đạo để tiếp cận và viện trợ liên tục, nhanh chóng, an toàn, không bị cản trở đến những người cần giúp đỡ.
Ngoài ra, EU cũng cam kết hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong khu vực để bảo vệ dân thường, hỗ trợ và tạo điều kiện tiếp cận thực phẩm, nước uống, chăm sóc y tế, nhiên liệu và nơi trú ẩn, bảo đảm rằng viện trợ này sẽ không bị các tổ chức khủng bố tước đoạt. EU cũng ủng hộ việc tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế diễn ra trong thời gian tới nhưng không cho biết chi tiết.
Liên quan đến tình hình Ukraine, các nhà lãnh đạo EU đã không đạt được thỏa thuận phê duyệt gói tài chính trị giá 50 tỷ euro trong 4 năm để viện trợ cho Ukraine. Slovakia và Hungary là 2 nước thành viên phản đối gay gắt kế hoạch chi tiêu này.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng, chiến lược hỗ trợ của EU dành cho Ukraine trong cuộc xung đột đã thất bại và ông có thể không sẵn sàng chấp thuận đề xuất của EU cung cấp thêm hỗ trợ tài chính cho Kiev.
Còn tân Thủ tướng Slovakia Robert Fico đã tuyên bố dừng mọi viện trợ quân sự cho Ukraine. Ông Robert Fico cũng cho rằng, EU cần thay đổi vai trò, từ nhà cung cấp vũ khí cho Ukraine sang kiến tạo hòa bình, nhấn mạnh tốt hơn hết Ukraine và Nga nên tham gia đàm phán hòa bình thay vì xung đột mà không có kết quả gì.
Sau khi giành lại một số lãnh thổ trong cuộc phản công bắt đầu vào tháng 6-2023, Ukraine đã không thể xuyên thủng hàng phòng thủ đa tầng của Nga để đạt được mục tiêu cắt đứt tuyến đường bộ tới bán đảo Crimea như tính toán.
Các hoạt động tấn công của Ukraine được cho là sẽ đối mặt với nhiều thách thức và chậm lại khi mùa đông đến. Tất cả điều này xảy ra bất chấp hàng tỷ USD hỗ trợ từ EU và Mỹ đã đổ vào Ukraine gần 2 năm qua.
Trong khi đó, Nga sẽ tăng thêm kinh phí cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã thông báo rằng, gần 1/3 chi tiêu của Chính phủ trong năm tới sẽ dành cho quốc phòng với tổng trị giá khoảng 109 tỷ euro (115 tỷ USD). Số tiền này cao hơn đáng kể so với những năm trước.
Theo các nhà bình luận, những cuộc xung đột tại Dải Gaza và Ukraine không dễ dàng kết thúc. Điều này cũng có nghĩa sự chia rẽ trong nội bộ EU có thể kéo dài. Cùng với những bất đồng vốn chưa được giải quyết triệt để như chính sách đối với người di cư, chính sách nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine…, nỗ lực nhất thể hóa của khối lại phải đối mặt thêm nhiều thách thức mới.
Gửi phản hồi
In bài viết