Hội nghị thượng đỉnh SCO: Mở rộng tầm ảnh hưởng chiến lược

- Trong hai ngày (15 và 16-9), Hội nghị thượng đỉnh của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) đã diễn ra tại thành phố Samarkand (Uzbekistan) với sự tham dự của 15 nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo các tổ chức quốc tế liên quan. Được tổ chức vào thời điểm căng thẳng Đông - Tây gia tăng lên một mức độ phức tạp mới, hội nghị là dịp để Nga và Trung Quốc tăng cường sự gắn kết và mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới.

Các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị thượng đỉnh SCO tại Uzbekistan.

Được thành lập năm 2001, từ 6 thành viên sáng lập gồm: Nga, Trung Quốc, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, đến năm 2017, SCO đã kết nạp thêm 2 thành viên mới là Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, Afghanistan, Belarus, Iran và Mông Cổ tham gia với tư cách quan sát viên. Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ là các nước đối tác đối thoại. Kể từ sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc vào năm 1991, trật tự thế giới hai cực trở về đơn cực dưới sự ảnh hưởng mạnh mẽ Mỹ, sự ra đời của SCO được ví như một đối trọng ở phương Đông của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giúp cục diện toàn cầu dần lấy lại thế cân bằng.

Chiếm 40% dân số thế giới và 60% tổng diện tích của châu Á và châu Âu, SCO ngày càng chứng minh được ảnh hưởng trên diễn đàn thế giới. Vì thế, chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh lần này hướng tới nhiều vấn đề, từ bảo vệ an ninh lương thực toàn cầu, an ninh năng lượng quốc tế đến đối phó với biến đổi khí hậu, duy trì chuỗi cung ứng an toàn, ổn định và đa dạng. Trong bản Tuyên bố Samarkand của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia SCO, các nhà lãnh đạo đã kêu gọi tạo ra thị trường năng lượng quốc tế minh bạch và giảm bớt các rào cản thương mại hiện hành nhằm bảo đảm an ninh năng lượng. Tuyên bố cũng cho rằng, việc đạt được an ninh năng lượng là cơ sở để bảo đảm phát triển kinh tế, ổn định xã hội, an ninh quốc gia và sự thịnh vượng của tất cả quốc gia trên thế giới...

Một trong những điểm đáng chú ý tại hội nghị là việc các nước thành viên ký Bản ghi nhớ về nghĩa vụ tư cách thành viên SCO của Iran. Ai Cập đã ký Bản ghi nhớ về việc gia nhập SCO với tư cách là đối tác đối thoại. Hội nghị cũng tiến hành thủ tục để Belarus gia nhập SCO, đánh dấu bước mở rộng tiếp theo của tổ chức này.

Thu hút sự chú ý của dư luận nhất tại hội nghị là cuộc gặp song phương giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong bối cảnh Mátxcơva và Bắc Kinh đều đang có quan hệ căng thẳng với Mỹ và nhiều nước châu Âu, đây là dịp để Trung Quốc thể hiện sức ảnh hưởng và để Nga khẳng định chính sách đề cao châu Á. Điều này đã được Tổng thống V.Putin khẳng định rằng, cuộc hội đàm tạo thêm động lực cho quan hệ đối tác chiến lược Nga - Trung cả trên cơ sở song phương và trên trường quốc tế. Riêng với Nga, Hội nghị là cơ hội cho thấy nước này không dễ bị cô lập trên trường quốc tế.

Ngoài ra, SCO giúp xứ sở Bạch dương khai thác thị trường mới cho các sản phẩm của Nga, hoặc tìm kiếm nhà cung cấp mới các mặt hàng không còn có thể nhập khẩu từ châu Âu. Hiện tại, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga hy vọng xây dựng một tuyến đường ống dẫn khí đốt tới Trung Quốc qua lãnh thổ Mông Cổ, với mục tiêu xuất khẩu 50 tỷ mét khối khí đốt/năm vào năm 2030. Về phía Trung Quốc, SCO là một động lực mới giúp nước này thúc đẩy sự hợp tác với các nước Trung Á và Nam Á, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của dự án Vành đai, con đường (BRI).

Tóm lại, trong bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực diễn biến phức tạp, Nga và Trung Quốc cùng các thành viên SCO đều coi sự phát triển của tổ chức này là trụ cột quan trọng trong hỗ trợ chủ nghĩa đa phương và hợp tác cùng có lợi, đồng thời thiết lập trật tự quốc tế mới hướng tới sự cân bằng và ổn định chiến lược kinh tế và chính trị.

Theo Hà Nội Mới

Tin cùng chuyên mục