Thu hoạch cà chua bi tại trang trại khởi nghiệp bằng công nghệ canh tác thông minh và bền vững ở sa mạc Sharjah
(Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất).
Hội nghị AIM4C do Mỹ và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đồng chủ trì diễn ra từ ngày 8 đến 10-5 tại Washington với sự tham dự của gần 1.000 nhà lãnh đạo nông nghiệp, nhà sản xuất, các nhóm xã hội dân sự, các nhà khoa học, nghiên cứu khắp thế giới. Đây là sáng kiến do Mỹ và UAE đề xướng năm 2021, trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP26). Sau hơn một năm, sáng kiến đã thu hút trên 80 quốc gia và hàng trăm tổ chức trên toàn cầu tham gia. Một phần của thách thức khí hậu xoay quanh vấn đề lương thực và nông nghiệp. Do vậy, AIM4C là một động thái nhằm thúc đẩy chuyển đổi hệ thống lương thực, là cơ sở để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững và xóa nạn đói trên thế giới vào năm 2030.
Tại Hội nghị Thượng đỉnh AIM4C lần này, các nước đều thống nhất nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm là một phần tất yếu trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời khẳng định, nông nghiệp và hệ thống lương thực, thực phẩm là một nội dung quan trọng trong Hội nghị lần thứ 28 về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) sẽ diễn ra tại UAE vào tháng 11 năm nay.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Tom Vilsack cho biết, đây là sự kiện quan trọng cho thấy sự phát triển của AIM4C khi toàn cầu đều có nhu cầu đẩy nhanh tiến trình giải quyết các thách thức về an ninh lương thực, biến đổi khí hậu. Qua đó, Bộ trưởng T.Vilsack công bố các nguồn đầu tư, đối tác và nguồn lực mới để chuẩn bị cho sáng kiến AIM4C tại COP28. Về đầu tư, các đối tác đã tăng đầu tư đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp thông minh với khí hậu và hệ thống lương thực, thực phẩm lên hơn 13 tỷ USD, vượt qua mục tiêu 10 tỷ USD được đề ra tại COP27. Về các sáng kiến nước rút cho đổi mới sáng tạo, có thêm 21 sáng kiến mới trị giá khoảng 1,8 tỷ USD trong lĩnh vực này. Cùng với đó là sự tham gia của nhiều đối tác mới, như: Argentina, Fiji, Guatemala, Panama, Paraguay, Sri Lanka...
Hiện tại, khoảng 30% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu đến từ các hệ thống thực phẩm, do các hoạt động như phá rừng để giải phóng đất phục vụ canh tác nông nghiệp; khí thải methane từ chăn nuôi hay chi phí năng lượng từ chuỗi cung ứng và điện năng mà người tiêu dùng sử dụng để dự trữ, chế biến thực phẩm... Ngược lại, vấn đề biến đổi khí hậu cũng đang đe dọa an ninh lương thực trên toàn thế giới.
Các dự án đang được triển khai trong khuôn khổ sáng kiến AIM4C bao gồm phát triển các loại phân bón mới và “xanh” hơn khi sử dụng ít nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất. Các biện pháp "nông nghiệp tái tạo" cũng được áp dụng nhằm khôi phục đa dạng sinh học của đất, qua đó cải thiện năng suất, giảm nhu cầu phân bón. Trong khi đó, các thiết bị trí tuệ nhân tạo đang được phát triển với khả năng lấy dữ liệu từ các nguồn khác nhau như vệ tinh, cảm biến mặt đất..., giúp ước tính chính xác mức độ carbon của vùng đất canh tác, từ đó hỗ trợ người nông dân cải thiện chất lượng đất.
Theo giới chuyên gia, đầu tư vào nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu là bước tiến quan trọng để giải quyết các vấn đề toàn cầu. AIM4C sẽ từng bước huy động một phong trào toàn cầu, nhằm tăng cường an ninh lương thực, đồng thời bảo đảm sinh kế cho hàng tỷ người khắp hành tinh.
Gửi phản hồi
In bài viết