Hội nghị Thượng đỉnh y tế toàn cầu: Vì một thế giới an toàn

Để xây dựng một thế giới an toàn, lành mạnh, công bằng và bền vững, Hội nghị Thượng đỉnh y tế toàn cầu diễn ra cuối tuần qua theo hình thức trực tuyến đã thông qua “Tuyên bố Rome”. Theo đó, các nhà lãnh đạo nhất trí một bộ nguyên tắc mang tính hướng dẫn nhằm thúc đẩy hợp tác đa phương và những hành động chung của quốc tế để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai.


Hội nghị Thượng đỉnh y tế toàn cầu diễn ra theo hình thức trực tuyến với sự tham gia của nhiều lãnh đạo EU và thế giới.

Hội nghị Thượng đỉnh y tế toàn cầu được tổ chức vào ngày 21-5-2021 dưới sự đồng chủ trì của Liên minh châu Âu và Italia (nước chủ tịch luân phiên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới - G20). Tham dự hội nghị có lãnh đạo các nước G20, những người đứng đầu của 12 tổ chức quốc tế, khu vực và các tổ chức y tế trên thế giới.

Đây là Hội nghị Thượng đỉnh lớn đầu tiên tập trung vào việc giải quyết đại dịch Covid-19 và cách thức vượt qua cuộc khủng hoảng đang khiến hàng triệu người thiệt mạng. Do đó, nội dung thảo luận của hội nghị xoay quanh sáng kiến “Phản ứng toàn cầu đối với vi rút SARS-CoV-2” do Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula Von der Leyen phát động hồi năm ngoái. Sáng kiến được đưa ra vào ngày 24-4-2020, khi cả thế giới phải đương đầu với đại dịch Covid-19, nhằm thúc đẩy việc tiếp cận tiêm chủng, điều trị và xét nghiệm Covid-19 với giá phải chăng trên quy mô toàn cầu.

Trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong vì đại dịch Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới đã cho thấy tính cấp thiết của hợp tác đa phương trong việc chung tay phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã nới rộng sự chia rẽ giữa các quốc gia, khu vực, làm lộ rõ hơn khủng hoảng về vai trò lãnh đạo tập thể và hành động toàn cầu. Cuộc đua sở hữu vắc xin phòng Covid-19 diễn ra gay gắt cùng nguy cơ “chủ nghĩa dân tộc” chưa được loại bỏ. Nỗ lực tập thể nhằm kiểm soát dịch bệnh và hỗ trợ các nước nghèo chống lại đại dịch Covid-19 và phục hồi sau đại dịch còn chưa chắc chắn... Thực tế này đặt ra thách thức lớn với chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế, trong khi đây là yêu cầu cấp thiết để đưa thế giới vượt qua đại dịch.

Khi vấn đề bất bình đẳng đang trở thành rào cản trong cuộc chiến chống đại dịch, hội nghị lần này cho thấy vai trò của việc tăng cường hợp tác đa phương và cùng hành động để ngăn chặn cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu trong tương lai. Hội nghị đã ra “Tuyên bố Rome” gồm 16 nguyên tắc nhằm thay đổi cách tiếp cận của các nhà lãnh đạo trên thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch, hướng tới định hướng tự nguyện trong hành động hiện nay và trong tương lai về sức khỏe toàn cầu…

Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen khẳng định, việc thông qua “Tuyên bố Rome” là sự kiện lịch sử và đặc biệt, thể hiện cam kết của tất cả các nước G20 về việc tuân thủ nguyên tắc cơ bản là chủ nghĩa đa phương, nói không với chủ nghĩa dân tộc trong vấn đề y tế, bảo đảm chuỗi cung ứng luôn mở. Kết quả nổi bật của hội nghị là việc lãnh đạo các nước giàu và đại diện các hãng dược phẩm cam kết sẽ nỗ lực nhiều hơn nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 trên thế giới, cụ thể là tăng nguồn cung vắc xin cho những nước nghèo. Các hãng dược phẩm Pfizer, Moderna và Johnson & Johnson thông báo sẽ cung cấp khoảng 3,5 tỷ liều vắc xin với giá gốc hoặc giá chiết khấu cho các nước có thu thập thấp và trung bình trong năm nay và năm tới…

Không có một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự mình vượt qua đại dịch, nên những kết quả mà Hội nghị Thượng đỉnh y tế toàn cầu đạt được cho thấy thông điệp đa phương được đề cao. Sự hợp tác, chia sẻ, cùng cam kết, cùng hành động sẽ không chỉ giúp các quốc gia vượt qua đại dịch hiện nay mà còn sẵn sàng ứng phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai.

Theo Hà Nội mới

Tin cùng chuyên mục