Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2025

- Sáng 17-12, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2025 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị.

Dự và chủ trì tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Năm 2024, Bộ, ngành Tư pháp đã nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung triển khai toàn diện, kịp thời, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần quan trọng vào các thành tựu chung về phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; phòng, chống tham nhũng; cải cách tư pháp; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trong đó, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Tư pháp xếp thứ nhất trên 17 bộ, là năm thứ 6 liên tiếp duy trì nhóm 3 bộ dẫn đầu về chỉ số cải cách hành chính cấp Bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Mạnh Tuấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.

Bộ Tư pháp đã phối hợp với các bộ, ngành tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua 28 luật, 5 nghị quyết quy phạm. Riêng Bộ Tư pháp chủ trì, xây dựng, trình Chính phủ trình Quốc hội thông qua 3 luật, 1 nghị quyết tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 8; thẩm định đối với 33 đề nghị xây dựng VBQPPL và 176 dự án, dự thảo VBQPPL; tham mưu triển khai hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL nhằm khẩn trương rà soát, xử lý các vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật, đề xuất Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV xem xét, ban hành 3 luật sửa đổi 13 luật trong lĩnh vực tài chính, kế hoạch đầu tư để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, cản trở sự phát triển...

Đại biểu đã nghe quán triệt các nội dung chính về Kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với ban cán sự đảng Bộ Tư pháp ngày 7-11-2024. Hội nghị đã dành nhiều thời gian tập trung thảo luận, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ; chia sẻ mô hình, cách làm mới, hiệu quả; các khó khăn, hạn chế và nguyên nhân trong việc thực hiện nhiệm trọng tâm năm 2024; đề xuất, kiến nghị các giải pháp để hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025. Đồng thời, phát động phong trào thi đua thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ toàn ngành Tư pháp năm 2025.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long đề nghị, năm 2025, Bộ Tư pháp cần kịp thời quán triệt, tham mưu thể chế hóa đầy đủ và triển khai thực hiện nghiêm, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, văn bản chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các lĩnh vực công tác của Bộ, ngành Tư pháp, đặc biệt là công tác xây dựng và thi hành pháp luật theo tinh thần chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; xây dựng, trình Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị về “Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới”.

Tập trung rà soát cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ, đề xuất và triển khai các phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy Bộ, ngành Tư pháp bảo đảm tinh gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả và phù hợp với quy định, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Bộ, ngành Tư pháp tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật gắn với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng của ngành Tư pháp bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ trên môi trường mạng và một số nội dung quan trọng khác.

Tin, ảnh: Thu Hương

Tin cùng chuyên mục