Đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Mạnh Tuấn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; UBND các huyện, thành phố.
Theo quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 cả nước có 1.704 cụm công nghiệp với tổng diện tích 58.123 ha. Hiện nay, toàn quốc có 968 cụm công nghiệp với tổng diện tích 30.912 ha đã được thành lập.
Tuyên Quang hiện đã thành lập 5 cụm công nghiệp với tổng diện tích 300 ha, trong đó đất công nghiệp theo quy hoạch 196 ha. Thu hút được 21 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 2.300 tỷ đồng, đất công nghiệp đã cho thuê 108,7 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 51,6%.
Tại hội nghị, các địa phương đã tập trung thảo luận về giải pháp trong quản lý, phát triển cụm công nghiệp thời gian tới: Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ liên quan hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác quy hoạch, thủ tục về đất đai, bảo vệ môi trường; lựa chọn chủ đầu tư đối với các cụm công nghiệp mới và cụm công nghiệp mở rộng; công tác quy hoạch cụm công nghiệp tại một số địa phương còn quy mô nhỏ ảnh hưởng đến công tác đầu tư hạ tầng tốn kém, đặc biệt là đầu tư công trình xử lý nước, rác thải tập trung; điều chỉnh tỉ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp…
Kết luận hội nghị, đồng chí Bộ Trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về cụm công nghiệp trên phạm vi cả nước, Bộ tăng cường chỉ đạo UBND cấp tỉnh quản lý chặt chẽ, đúng quy định, đối với phát triển cụm công nghiệp từ khâu lập phương án phát triển cụm công nghiệp tích hợp vào quy hoạch tỉnh, thành lập, đầu tư xây dựng hạ tầng đến hoạt động của các cụm công nghiệp; định kỳ kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định, chính sách quản lý, phát triển cụm công nghiệp tại các địa phương. Đồng thời, Bộ cũng tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các địa phương và tiếp tục nghiên cứu tham mưu, hoàn thiện khung pháp lý về quản lý, phát triển cụm công nghiệp, đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường, thuế…
Đồng chí đề nghị, các địa phương khẩn trương xây dựng, hoàn thiện phương án phát triển cụm công nghiệp giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn; tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, vật liệu, hóa chất, chế tạo, chế biến, điện tử… phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn mới. Cùng với đó, thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư, hiệu quả hoạt động của các cụm công nghiệp trên địa bàn; chấm dứt tiếp nhận, bố trí các dự án đầu tư sản xuất công nghiệp ở ngoài khu, cụm công nghiệp. Khi thành lập cụm công nghiệp phải xem xét, tính toán kỹ nhu cầu thực tế, nguồn vốn, năng lực, kinh nghiệm của chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng, hiệu quả đầu tư và tiến độ thu hút lấp đầy cụm công nghiệp; cải cách thủ tục hành chính, xây dựng mới các quy chế, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển cụm công nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp làm chủ đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp.
Gửi phản hồi
In bài viết