Chủ tọa Hội thảo có các đồng chí: Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viên Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và các đồng chí là Ủy viên Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, học viện, trường đại học và các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp. Hội thảo được tổ chức trực tuyến tại 63 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang.
Ảnh: Quang Hòa
Dự hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang có đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh; đại diện một số sở, ban, ngành của tỉnh và một số văn nghệ sỹ, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian trên địa bàn tỉnh.
Năm 1943 Đề cương về văn hóa Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo đã đi vào lịch sử như một bản Cương lĩnh đầu tiên của Đảng về văn hóa. Với Đề cương về văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên Đảng ta đã trình bày rõ ràng những quan điểm cơ bản của mình về văn hóa. Đó là vị trí của văn hóa trong tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc; sự tất yếu phải thực hiện cách mạng tư tưởng văn hóa sau khi cách mạng chính trị thành công và định hướng xây dựng một nền văn hóa mới Việt Nam.
Các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh dự hội thảo. Ảnh: Quang Hòa
Cụ thể, văn hóa “bao gồm cả tư tưởng, học thuật và nghệ thuật”, thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội, nền tảng kinh tế của một xã hội quyết định toàn bộ văn hóa của xã hội ấy. Đảng đã xác định văn hóa là một mặt trận đấu tranh cách mạng quan trọng, không thể thiếu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn hóa và cách mạng văn hóa.
Đề cương về văn hóa Việt Nam không chỉ có giá trị về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa lớn lao trong việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội ở nước ta. Việc vận dụng và phát huy tinh thần, luận điểm, nguyên tắc về phát triển văn hóa được đặt ra trong Đề cương với ý nghĩa như một cương lĩnh về văn hóa của Đảng đã thực sự mang lại nhiều chuyển dịch và kết quả quan trọng trong sự nghiệp phát triển văn hóa và con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua.
Lãnh đạo HĐND tỉnh, một số sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh tham dự hội thảo. Ảnh: Quang Hòa
Hội thảo tập trung vào 2 nội dung chính: Giá trị lý luận và thực tiễn của Đề cương về văn hóa Việt Nam và văn hóa, con người Việt Nam - nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Có 7 tham luận được trình bày tại hội thảo tập trung các vấn đề: Sự khai phá mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hóa ở Việt Nam; phát huy giá trị của Đề cương văn hóa Việt Nam trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ; vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa- con người Việt Nam…
Cuộc tọa đàm bàn tròn được diễn ra với các vị khách mời là lãnh đạo, quản lý ngành văn hóa, nhà khoa học, chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, học viện…Các khách mời đã đưa ra các ý kiến làm rõ hơn giá trị to lớn Đề cương về văn hóa Việt Nam; bối cảnh ra đời và vai trò nhà lãnh đạo Trường Chinh trong xây dựng Đề về cương văn hóa Việt Nam; tiếp tục hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và huy động nguồn lực cho phát triển văn hoá, con người; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá và thị trường văn hoá phát triển. Đây là yêu cầu cấp thiết đặt ra trong bối cảnh phát triển mới của đất nước…
Các nghệ sỹ, nghệ nhân tham dự hội thảo. Ảnh: Quang Hòa
Kết luận hội thảo, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, đây là một trong hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam; là diễn đàn học thuật quan trọng khẳng định ý nghĩa khoa học, tầm vóc lịch sử và những giá trị trường tồn của bản Đề cương về văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Đề cương thể hiện được nhận thức đúng đắn: Sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa vừa là một tất yếu chính trị, vừa là một tất yếu khách quan. Cách mạng muốn xây dựng thành công nền văn hoá mới dứt khoát phải do Đảng tiền phong lãnh đạo.
Hội thảo đã đưa ra nhiều ý kiến, giải pháp vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương đưa ra chính sách về phát triển văn hóa hiện nay. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới…
Sự khai phá, mở đường cho quá trình xây dựng lý luận văn hoá ở Việt Nam
GS.TS. Đinh Xuân Dũng
Nguyên Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận, phê bình Văn học, nghệ thuật Trung ương
Đề cương về văn hóa Việt Nam ra đời vào năm 1943 là sự thể hiện đầy sức thuyết phục về tầm nhìn, bản lĩnh và sự nhiệt huyết của những người cộng sản Việt Nam. Điều khẳng định trong Đề cương cách đây 80 năm “phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội” chính là việc phát hiện một quy luật sâu sắc trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Hay nói cách khác, đừng ai ảo tưởng rằng, làm xong cách mạng chính trị hay chỉ tập trung cho phát triển kinh tế đã là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của đất nước. Công cuộc cải tạo xã hội sau khi cách mạng chính trị thành công và trong khi đẩy mạnh xây dựng và phát triển kinh tế đòi hỏi một tư duy sâu sắc hơn nhiều, đó là, chỉ có thể hoàn thành triệt để công cuộc cải tạo đó bằng cách phải hoàn thành đồng thời cách mạng chính trị, cách mạng kinh tế và cách mạng văn hóa mà Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gọi là “ba mặt trận”.
Phát huy giá trị của Đề cương trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
PGS.TS. Đoàn Minh Huấn
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Đề cương đã bóc trần bản chất phản động trong chính sách văn hóa của thực dân Pháp và phát xít Nhật, nguy cơ hủy hoại nền văn hóa dân tộc, đầu độc nhân dân, ru ngủ trí thức, văn nghệ sĩ, mưu toan làm cho họ quên đi trách nhiệm xã hội của người cầm bút trong sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Đề cương minh định nguyên tắc “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa” trong cuộc đấu tranh tư tưởng - lý luận văn hóa. Đề cương khẳng định Đảng phải nắm lấy, giữ vững vai trò lãnh đạo trên mặt trận văn hóa, nghệ thuật; sử dụng đa dạng, linh hoạt phương thức đấu tranh trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Đấu tranh trên địa hạt tư tưởng, văn hóa là lĩnh vực rất phức tạp, kẻ thù sử dụng muôn vàn mưu mô tinh vi, xảo quyệt, nếu thiếu cơ sở phương pháp luận đúng đắn thì vũ khí tư tưởng, văn hóa không phát huy được tác dụng. Đề cương khẳng định, trong đấu tranh với các học thuyết, tư tưởng, tông phái văn nghệ phải dựa vào chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử. Trong một bối cảnh mà nhiều nhà văn hóa, văn nghệ sĩ mất phương hướng, thì quan điểm phương pháp luận mácxít giúp cho không ít nhà văn hóa, văn nghệ sĩ lấy lại tinh thần, phản tỉnh trước thời cuộc, xác định đúng trách nhiệm xã hội của người cầm bút.
Vận dụng tư tưởng của Đề cương về văn hóa Việt Nam tạo động lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở tỉnh
Đồng chí Lê Quốc Chinh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nam Định
Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nam Định luôn chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa tương xứng trong mối tương quan với chính trị và kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành các nghị quyết và kết luận về xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để chỉ đạo triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nam Định và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt tới đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội, gắn với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị trong xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức, có ý thức tôn trọng pháp luật, dân chủ đi đôi với kỷ luật, kỷ cương. Đồng thời chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh gắn liền với đấu tranh với cái xấu, cái ác, phi văn hóa, phản văn hóa, nhất là đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ những giá trị chân – thiện - mỹ; phát triển mạnh mẽ các phong trào thể dục - thể thao; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa…
Bảo tồn di sản văn hóa đáp ứng nhu cầu hội nhập và phát triển bền vững
Đồng chí Phan Ngọc Thọ
Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy Thừa Thiên Huế
Tỉnh Thừa Thiên Huế là vùng đất hội tụ, giao thoa và lan tỏa giá trị văn hóa đa dạng, đặc sắc trong dòng chảy văn hóa Việt Nam. Để bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, tạo không gian sinh hoạt văn hóa Huế, người dân Huế đang tập trung: Trùng tu, phục dựng các di sản, di tích văn hóa Huế. Song song với đó là chỉnh trang đô thị Huế, tạo cảnh quan hài hòa cho bảo tồn và phát triển... từng bước làm đẹp lại các giá trị cảnh quan vốn có của cố đô Huế, để Huế mãi là kiệt tác về thơ, kiến trúc đô thị. Đồng thời, xây dựng giá trị gia đình Huế để góp phần xây dựng hệ giá trị gia đình Việt Nam; xây dựng, phát huy giá trị thương hiệu Huế về: ẩm thực, áo dài, hoa mai vàng... để những giá trị vốn có này được bảo tồn và trở thành thương hiệu của Huế, để tạo vị thế thương hiệu Việt Nam...
Gửi phản hồi
In bài viết