Quang cảnh hội thảo.
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Sóc Trăng, giai đoạn 2018-2023, hoạt động triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đạt hiệu quả tích cực; có 6 nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, 60 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh, 666 nhiệm vụ cấp cơ sở được triển khai từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ hỗ trợ có mục tiêu, kinh phí sự nghiệp nông nghiệp với tổng kinh phí đầu tư cho các nhiệm vụ trên 102 tỷ đồng.
Trong đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nguồn kinh phí đối ứng từ doanh nghiệp, người dân, tổ chức chủ trì đạt hơn 40 tỷ đồng, chiếm gần 44% tổng mức đầu tư; tỷ lệ nguồn kinh phí đối ứng khá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ trong lĩnh vực công nghiệp, đổi mới công nghệ còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và thực tiễn. Việc nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất còn nhiều hạn chế.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhu cầu đối với việc ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống trong giai đoạn sắp tới. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã tham gia thảo luận; đề xuất nhiều giải pháp, cách làm nhằm giúp tỉnh triển khai có hiệu quả hơn nữa hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong thời gian tới gắn với thực tiễn của địa phương.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn khẳng định, vai trò của các nhà khoa học, nhà sản xuất và doanh nghiệp trong việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương. Do đó, việc khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức đầu tư cho khoa học và công nghệ là rất cần thiết.
Cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao thành tựu của khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản. Phát triển chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, gắn với ngành công nghiệp chế biến và năng lượng. Xây dựng, định vị thương hiệu nông sản chủ lực của tỉnh; phát triển đa dạng sản phẩm tại các thị trường tiêu thụ, kết hợp với phát triển du lịch.
Nghiên cứu đề xuất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khai thác phát triển tài sản trí tuệ; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa.
Gửi phản hồi
In bài viết