Các đồng chí: Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đồng chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có lãnh đạo các vụ, viện, các chuyên gia, đại diện các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.
Đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh dự hội thảo tại điểm cầu tỉnh Lào Cai. Đồng chí Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì hội thảo tại điểm cầu Tuyên Quang. Ảnh: Việt Hòa
Khai mạc hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ là khu vực có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của cả nước. Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững; tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú; có nhiều di sản văn hóa đặc sắc... Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vùng trung du, miền núi Bắc Bộ vẫn là khu vực khó khăn nhất của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người thấp; tỷ lệ hộ nghèo cao, nhất là khu vực đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là việc liên kết phát triển vùng còn nhiều hạn chế do các yếu tố như hạ tầng giao thông, quy hoạch…
Hội thảo Quốc tế định hướng liên kết phát triển vùng Trung du và Miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là một hoạt động quan trọng tham vấn ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước, lãnh đạo các tỉnh trong khu vực về định hướng liên kết phát triển vùng để hoàn thiện Báo cáo tổng kết Nghị quyết 37 của Bộ Chính trị ngày 1-7-2004, về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2020.
Tại Hội thảo, các đại biểu khẳng định, liên kết vùng là phương thức để tạo ra các mũi nhọn, cực tăng trưởng đối với nhiều ngành, lĩnh vực trong nền kinh tế của các tỉnh, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng, địa phương trong tổng thể nền kinh tế. Các tham luận cũng đóng góp nhiều ý kiến về thể chế liên kết, điều phối phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trong vùng, kinh nghiệm quốc tế về liên kết phát triển và gợi mở cho vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, phát triển hành lang kinh tế, cơ sở hạ tầng giao thông để thúc đẩy liên kết vùng.
Tham gia thảo luận, đồng chí Lê Thị Kim Dung, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh đã nêu rõ những khó khăn của các tỉnh Trung du, miền núi đang gặp phải, đó là địa hình, địa lý, hạ tầng giao thông. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh, các tỉnh trong khu vực cần có cơ chế thực hiện liên kết, có sự đồng thuận, thống nhất để đầu tư dự án đồng bộ hiệu quả nhất. Các tỉnh vùng lõi Tuyên Quang- Hà Giang- Bắc Kạn xem xét có tuyến đầu tư giao thông để đảm bảo kết nối giữa vùng Đông Bắc – Tây Bắc; đường Hồ Chí Minh tuyến Cao Bằng – Bắc Kạn- Tuyên Quang- Phú Thọ đã được định hình, tuy nhiên cần hoàn chỉnh tuyến đường này để phục vụ phát triển kinh tế vùng. Để nhân dân trong vùng được chăm sóc sức khỏe tốt nhất các tỉnh cũng cần bàn giải pháp để xây dựng Bệnh viện Đa khoa khu vực hiện đại đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân...
Kết luận Hội thảo, đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương khẳng định, liên kết phát triển là động lực để các tỉnh trong khu vực có sự phát triển đồng đều. Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, các tỉnh trong khu vực cần có cơ chế, chính sách liên kết, kết nối phát triển vùng trên các lĩnh vực giao thông, đào tạo, kinh tế đặc thù, hành lang kinh tế, kinh tế cửa khẩu... Qua đó, đảm bảo tính thống nhất, phát huy lợi thế của từng địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết