Hôm nay NASA đâm tàu vũ trụ vào tiểu hành tinh thử nghiệm "cứu" Trái đất

Chiều nay, NASA phóng tàu vũ trụ đâm vào tiểu hành tinh bay quanh Mặt trời để xem có thay đổi được quỹ đạo của thiên thạch nhằm "cứu" Trái đất hay không.

Ảnh minh họa tàu vũ trụ DART của NASA và vệ tinh LICIACube của Cơ quan Vũ trụ Italia trước khi
đâm vào tiểu hành tinh Didymos. Ảnh: NASA

Cuộc trình diễn toàn diện đầu tiên trong chiến dịch bảo vệ hành tinh của NASA

Sứ mệnh Thử nghiệm chuyển hướng tiểu hành tinh kép (DART) dự kiến bắt đầu vào 13h20 giờ Việt Nam ngày 24.11. Tên lửa SpaceX Falcon 9 sẽ phóng tàu vũ trụ DART từ Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California. Chương trình đưa tin trực tiếp về sự kiện sẽ được phát sóng trên NASA TV và trang web NASA từ 12h30 giờ Việt Nam.

Mục tiêu của sứ mệnh là Dimorphos, một mặt trăng nhỏ quay quanh tiểu hành tinh gần Trái đất Didymos. Đây là cuộc trình diễn toàn diện đầu tiên trong chiến dịch bảo vệ hành tinh do NASA phát động. Đây cũng sẽ là lần đầu tiên con người thay đổi động lực học của một thiên thể theo cách có thể đo lường được, theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA).

Các vật thể gần Trái đất (NEO) là các tiểu hành tinh và sao chổi có quỹ đạo trong phạm vi 48 triệu km so với Trái đất. Phát hiện mối đe dọa từ các vật thể gần Trái đất có khả năng gây hại nghiêm trọng là trọng tâm chính của NASA và các tổ chức không gian khác trên thế giới.


Mục tiêu của sứ mệnh DART là đâm vào tiểu hành tinh Dimorphos. Ảnh: DART/NASA

Tiểu hành tinh Didymos và mặt trăng Dimorphos

Trong tiếng Hy Lạp, Didymos có nghĩa là "song sinh". Didymos có chiều ngang gần 800m, tạo thành một hệ nhị phân với tiểu hành tinh nhỏ hơn, tức mặt trăng Dimorphos có đường kính 160m. Kleomenis Tsiganis - nhà khoa học hành tinh tại Đại học Aristotle ở Thessaloniki và là thành viên của nhóm DART - cho rằng đây là thời điểm hoàn hảo để thực hiện sứ mệnh DART. Didymos và Dimorphos sẽ ở tương đối gần Trái đất - trong phạm vi 11 triệu km - vào tháng 9.2022. Tàu vũ trụ sẽ tăng tốc với tốc độ khoảng 24.140km/h, nhắm vào Dimorphos.

Một camera trên tàu vũ trụ, được gọi là DRACO, và phần mềm điều hướng tự động sẽ giúp tàu vũ trụ phát hiện và va chạm với Dimorphos. Mục đích của DART là cố tình đâm vào Dimorphos để chuyển hướng tiểu hành tinh trong không gian, theo NASA. Vụ va chạm này sẽ được vệ tinh CubeSat của Cơ quan Vũ trụ Italia ghi lại.

Elena Adams - kỹ sư hệ thống sứ mệnh DART tại Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng Johns Hopkins - cho biết video về vụ va chạm sẽ được truyền trực tiếp trở lại Trái đất và điều này sẽ rất thú vị.

Tom Statler - nhà khoa học chương trình DART tại NASA - nói: “Các nhà thiên văn có thể so sánh những quan sát từ kính thiên văn trên Trái đất trước và sau tác động động học của DART để xác định chu kỳ quỹ đạo của Dimorphos thay đổi như thế nào. Đó là phép đo quan trọng sẽ cho chúng ta biết cách tiểu hành tinh phản ứng với nỗ lực làm chệch hướng của chúng ta".

Hình ảnh mô phỏng lại vụ va chạm giữa Trái đất và thiên thạch với đường kính gần 80km đã gây ra thảm họa
diệt chủng toàn cầu và khai tử loài khủng long. Ảnh: NASA

Vài năm sau vụ va chạm, sứ mệnh Hera của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu sẽ tiến hành một cuộc điều tra tiếp theo về Didymos và Dimorphos.

Andrea Riley - giám đốc điều hành chương trình DART tại trụ sở NASA - cho biết: “DART là bước đầu tiên trong các phương pháp thử nghiệm làm chệch hướng các tiểu hành tinh nguy hiểm. Các tiểu hành tinh tiềm ẩn nguy cơ đang là mối quan tâm toàn cầu và chúng tôi rất vui mừng được làm việc với các đồng nghiệp Italia và Châu Âu để thu thập dữ liệu chính xác nhất có thể từ cuộc trình diễn này".

Tên lửa SpaceX Falcon 9 và tàu vũ trụ DART trước khi phóng tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California. Ảnh: NASA
Tên lửa SpaceX Falcon 9 và tàu vũ trụ DART trước khi phóng tại Căn cứ Lực lượng Không gian Vandenberg ở California. Ảnh: NASA

Đâm vào tiểu hành tinh có chủ đích

Tùy thuộc vào vị trí trong quỹ đạo xung quanh Mặt trời, Dimorphos và Didymos có thể cách Trái đất từ 10 đến 493 triệu km, nhưng hiện tại chúng đang cách Trái đất khoảng 483 triệu km - nhà vật lý thiên văn và người theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian ở Cambridge, Massachusetts nói với Space.com. Không có tiểu hành tinh nào trong hệ thống này gây ra mối đe dọa cho Trái đất.

Mục tiêu của DART sẽ va chạm gần như đối đầu với mặt trăng Dimorphos, đẩy và thay đổi quỹ đạo của nó xung quanh Didymos. Nhiệm vụ này nhằm mục đích rút ngắn quỹ đạo của mặt trăng xung quanh Didymos vài phút.

Do hai tiểu hành tinh không gây ra bất kỳ mối đe dọa nào đối với Trái đất, thử nghiệm này sẽ không trực tiếp giúp Trái đất an toàn hơn. Tuy nhiên, điều cực kỳ quan trọng của sứ mệnh là chứng minh rằng chiến lược phòng thủ hành tinh này có hiệu quả. Vì vậy, trong tương lai, nếu xuất hiện một tiểu hành tinh trong quỹ đạo có thể gây nguy hiểm cho Trái đất, NASA về mặt lý thuyết có thể sử dụng một tàu vũ trụ như DART để đập vỡ tảng đá nhằm tránh một vụ va chạm với hành tinh của chúng ta.

Mặc dù hiện tại không có bất kỳ tiểu hành tinh lớn nào có nguy cơ lao về phía Trái đất, "hệ thống tiểu hành tinh này là thử nghiệm hoàn hảo để xem việc cố ý đâm tàu ​​vũ trụ vào một tiểu hành tinh có phải là cách hiệu quả để thay đổi hướng đi của nó hay không", theo tuyên bố từ Phòng thí nghiệm Vật lý Ứng dụng của Đại học Johns Hopkins, nơi đã chế tạo tàu vũ trụ.

"Tại thời điểm này, chúng ta không có một vật thể nào thực sự là mối đe dọa đối với Trái đất. Tuy nhiên, với sự thành công của nhiệm vụ này, tôi thực sự quan tâm đến việc chúng tôi sẽ sử dụng công nghệ đó và tiến lên phía trước như thế nào" - Thomas Zurbuchen, người phụ trách sứ mệnh DART của NASA phát biểu trong cuộc họp báo ngày 22.11.

Theo Lao Động

Tin cùng chuyên mục