Homestay Lâm Bình nhìn từ mùa lễ hội

- Huyện Lâm Bình đang là huyện đi đầu trong phát triển loại hình du lịch homestay. Kinh doanh loại hình du lịch này đã từng bước góp phần xoá đói giảm nghèo cho người dân và bảo tồn di sản, bảo vệ môi trường sinh thái, giúp du lịch phát triển bền vững.

Phát triển mạnh về lượng

Homestay được khởi nguồn từ nhu cầu của những vị khách "Tây ba lô". Đây là loại hình du lịch dành cho những du khách thích khám phá, trải nghiệm và tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân bản địa. Nghỉ tại nhà dân giúp họ hiểu hơn về cuộc sống và con người vùng đất đó bởi họ được "cùng ăn, cùng ở, cùng làm" với gia đình chủ nhà trong không khí ấm cúng và thân thiện. Hơn nữa, hình thức lưu trú này cũng khá hợp lý về giá cả.

Homestay A Phủ, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) phục vụ khách tham quan.

Lâm Bình là một trong những huyện phát triển mạnh loại hình du lịch homestay, bởi nơi đây hội tụ các điều kiện cần và đủ để loại hình du lịch này phát triển như cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ; những nếp nhà sản truyền thống cùng bản sắc văn hóa của dân tộc Tày được bảo tồn. Từ 8 cơ sở làm di lịch homestay ban đầu, đến này huyện Lâm Bình có 45 cơ sở homestay. Khách du lịch đến đây họ thích thú nhất là tìm hiểu truyền thống, lịch sử văn hoá, đời sống của cộng đồng dân tộc, thưởng thức văn hoá ẩm thực, văn nghệ dân gian, tham quan vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang…

Những hộ làm du lịch homestay đã chỉnh trang nhà ở, khuôn viên và trang bị những đồ dùng cần thiết để phục vụ cho tốt cho những sinh hoạt cá nhân của khách. Mỗi cơ sở homestay trên địa bàn huyện Lâm Bình có thể đáp ứng được đoàn khách khoảng trên dưới 20 người. Cá biệt có những cơ sở có thể phục vụ  80 khách du lịch.

Anh Nguyễn Xuân Mao, chủ cơ sở Homestay Mao Linh, tổ dân phố Làng Chùa, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) cho biết, nhận thấy khách tham quan đến với Lâm Bình ngày càng tăng, gia đình đã xây dựng cơ sở du lịch homestay, hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng dịp khai mạc Năm du lịch Tuyên Quang gắn với Tuần lễ văn hóa huyện Lâm Bình. Với việc bài trí bắt mắt mắt, cơ sở của anh đã thu hút khách đến nghỉ dưỡng và được đánh giá cao về cơ sở vật chất, chất lượng phục vụ.

Phi công lái khinh khí cầu người Đức Andre’ chia sẻ, đây là lần đầu tiên anh đến Việt Nam, lần đầu đến với Lâm Bình, phong cảnh nơi đây rất đẹp, hùng vĩ cuốn hút lòng người. Đặc biệt hơn hết anh được thưởng thức những món ăn ngon, được ở trong ngôi nhà truyền thống của người dân nơi đây; con người nơi đây thật hồn hậu, mến khách.

Du khách nước ngoài giao lưu văn nghệ cùng đội văn nghệ thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình).

Cần nâng chất

Chuỗi các hoạt động kích cầu du lịch tại huyện Lâm Bình trong tuần vừa qua thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến với Lâm Bình. Đa phần du khách đều có ấn tượng tốt với chất lượng phục vụ khách tham quan của các cơ sở lưu trú, cơ sở dịch vụ homestay nơi đây. Tuy nhiên, sau 1 tuần hoạt động hết công suất phục vụ khách du lịch, các cơ sở homestay đã bộc lộ những thiếu sót cần khắc phục.

Một số chủ homestay tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm chia sẻ, trước đây đa phần khách tham quan đến cơ sở là khách nội địa và chủ yếu là khách phía Bắc. Tuy nhiên dịp lễ hội vừa qua khách tham quan đến từ các vùng miền và cả khách nước ngoài, do vậy nhu cầu phục vụ khác nhau nên gia đình có đôi chút lúng túng. Cụ thể như thực phẩm sử dụng chế biến món ăn, thức uống chưa phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách. Rào cản về ngôn ngữ với khách nước ngoài là những hạn chế chung mà những cơ sở làm dịch vụ homestay tại đây gặp phải.

Chị Nguyễn Thị Nhi, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết, lần đầu tiên đến xã Thượng Lâm chị ở homestay, được phục vụ rất chu đao, đồ ăn rất ngon, tuy nhiên nơi đây thiếu một số dịch vụ thiết yếu. Chị Nhi chia sẻ, 2 ngày ở đây tôi và bạn bè không thấy có quán cafe nào. Uống cafe là một thói quen của chị và bạn bè mỗi sáng thức dậy, nhưng ở đây lại là đồ hiếm. 

 Cơ sở homestay Mao Linh, tổ dân phố Làng Chùa, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) chỉnh trang chuẩn bị đón khách du lịch.

Một số khách tham quan cho biết,  một số homestay chất lượng phụ vụ chưa tốt. Cụ thể một số cơ sở homestay chỉ phục vụ khách ở chứ không phục vụ khách ăn tại chỗ; chất lượng mạng wifi, mạng 4G, sóng điện thoại tại một số cơ sở chưa đủ đáp ứng nhu cầu khách…Ông Huỳnh Việt Hoàng, Phó Chủ tịch Hội du lịch cộng đồng Việt Nam VCTC thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót và nguyên nhân chính do địa phương chưa có một chiến lược phát triển loại hình dịch vụ homestay rõ ràng và cụ thể, vì vậy việc định hướng cũng như công tác quản lý loại hình du lịch này còn gặp nhiều khó khăn. Mặt khác, chủ yếu loại hình này người dân phát triển tự phát nên còn thiếu kỹ năng phục vụ; dịch vụ bổ sung cho khách còn chưa nhiều; đội ngũ làm du lịch chưa được đào tạo qua trường lớp, yếu về trình độ ngoại ngữ...

Theo ông Hoàng, để homestay phát triển bền vững, đúng nghĩa cần phải có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kiến thức phục vụ cho các hộ làm du lịch homestay bài bản, từ cách tổ chức và phục vụ từng đoàn khách cụ thể, cách bài trí phòng nghỉ, các món ăn, những điểm tham quan, hướng dẫn khách trong các sinh hoạt của gia đình, cách giao tiếp với khách, giới thiệu văn hoá của địa phương. Đồng thời, cần ban hành tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở homestay. Song song với những giải pháp trên, cần tăng cường liên kết, quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là ứng dụng công nghệ số, không gian mạng để quảng bá du lịch…

Để loại hình du lịch cộng đồng homestay tiến tới chuyên nghiệp và bền vững, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần có chiến lượcc phát triển cụ thể, không chạy theo số lượng, làm tốt công tác quản lý nâng cao chất lượng; mở các lớp tập huấn làm du lịch cho người dân. Đồng thời, người dân cũng cần tích cực học hỏi, hoàn thiện kỹ năng làm du lịch để phục vụ du khách tốt hơn, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.

Bài, ảnh: Cao Huy

Tin cùng chuyên mục