Quang cảnh hội thảo.
Hội thảo do Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam, Trung tâm ICISE, Trường đại học Phenikaa, Viện Nghiên cứu Khoa học Sự sống Nano thuộc Đại học Kanazawa (Nhật Bản) đồng tổ chức.
NanoBioCoM2024 vinh dự đón tiếp nhiều diễn giả là các chuyên gia, nhà khoa học có uy tín trên thế giới trong lĩnh vực như: Giáo sư Takeshi Fukuma, Viện Nghiên cứu khoa học sự sống nano thuộc Đại học Kanazawa, Nhật Bản; Giáo sư Wibool Piyawattanametha, Học viện Công nghệ King Mongkut Ladkrabang (KMITL), Thái Lan; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bui Khanh Huy, Đại học McGill, Canada; Giáo sư Guy Trần Văn Nhiều, Đại học Paris-Saclay, Pháp…
Tiếp nối thành công của hội thảo lần thứ nhất diễn ra vào tháng 9/2023, “Hội thảo quốc tế lần thứ hai về khoa học sự sống nano: Công nghệ Nano Sinh học, Lý sinh, Tính toán” tiếp tục tổ chức, với gần 50 bài báo cáo tại phiên toàn thể và các phiên song song.
Hội thảo tập trung vào các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng liên quan trong công nghệ sinh học nano, lý sinh và các phương pháp tính toán hiện đại nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng trong lĩnh vực khoa học sự sống.
Những nghiên cứu trình bày tại hội thảo không chỉ cung cấp các kỹ thuật tiên tiến mà còn mở ra những xu hướng mới, có tiềm năng ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực vật lý sinh học.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Giáo sư Trần Thanh Vân, Chủ tịch Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam nhấn mạnh, mục tiêu dài hạn của hội thảo là tạo ra một diễn đàn khoa học quốc tế do người Việt Nam tổ chức tại Việt Nam, nơi các nhà khoa học, đặc biệt là những người trẻ tuổi, có thể gặp gỡ, chia sẻ và thảo luận về những nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý sinh học. Từ đó nhằm giải quyết các vấn đề liên ngành và thách thức hiện nay trong khoa học sự sống.
Hội thảo cũng đặt nền tảng cho sự kết nối và duy trì mạng lưới hợp tác nghiên cứu liên ngành và xuyên ngành giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, dựa trên lĩnh vực khoa học sự sống nano.
Việt Nam hiện đang đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu liên quan đến khoa học sự sống nano, bao gồm công nghệ sinh học nano (y học nano, HS-AFM, FM-AFM, SICM), vật lý sinh học (hệ thống nano phân tử sinh học, nanobiohybrid, cấu trúc sinh học nano, cảm biến sinh học dựa trên nano), cũng như các lĩnh vực tính toán và trí tuệ nhân tạo (AI) trong sinh học.
Vật lý sinh học là một lĩnh vực liên ngành, kết hợp các nguyên lý và phương pháp từ vật lý và sinh học để nghiên cứu các khía cạnh vật lý của hệ thống sinh học. Mục tiêu chính của vật lý sinh học là hiểu rõ các cơ chế và nguyên lý vật lý cơ bản chi phối cấu trúc, động lực, chức năng và hành vi của các phân tử sinh học, tế bào, mô và sinh vật.
Việc thu hẹp khoảng cách giữa các thí nghiệm phân tử đơn lẻ và các thí nghiệm tổng thể có ý nghĩa quan trọng trong lĩnh vực khoa học sự sống nano.
Gửi phản hồi
In bài viết