Theo hãng tin Reuters ngày 11-9, đặc điểm hẻo lánh và địa hình hiểm trở, cũng như tình trạng không có sóng điện thoại và mất điện, khiến các nhân viên cứu hộ đối mặt với nhiều thách thức trong nỗ lực tiếp cận những ngôi làng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi động đất trên dãy núi High Atlas.
Lực lượng cứu hộ làm nhiệm vụ tại khu vực bị tàn phá bởi động đất ở Morocco. Ảnh: Reuters
Trong nỗ lực ứng phó, Chính phủ Morocco tuyên bố đã thành lập một quỹ hỗ trợ những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi động đất, tăng cường huy động các lực lượng tìm kiếm và cứu nạn, cung cấp nước uống, thực phẩm, lều và chăn. Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trận động đất xảy ra ngày 8-9 vừa qua đã gây ảnh hưởng đến hơn 300.000 người tại Marrakesh và vùng ngoại ô thành phố này.
Để hỗ trợ Morocco khắc phục những hậu quả nghiêm trọng, Tây Ban Nha đã điều động 86 nhân viên cứu hộ và 8 chó nghiệp vụ. Anh xác nhận cử 60 chuyên gia tìm kiếm và cứu nạn, cùng 4 nhân viên y tế. Các đội cứu hộ từ Qatar cũng đã lên đường đến quốc gia Bắc Phi.
Mỹ thông báo, một nhóm các chuyên gia về thảm họa đã có mặt tại Morocco để đánh giá tình hình sau động đất. Trong khi đó, một số quốc gia khác như Pháp vẫn đang chờ lời đề nghị chính thức từ Rabat trước khi điều động các lực lượng hỗ trợ.
Caroline Holt, Giám đốc Điều hành toàn cầu của Hiệp hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) nhận định, khoảng thời gian 2-3 ngày tới là thời điểm quan trọng để tìm kiếm những người vẫn đang mắc kẹt dưới các đống đổ nát.
Trận động đất nghiêm trọng nhất Morocco kể từ năm 1960 còn gây thiệt hại nặng nề cho nhà thờ Hồi giáo Tinmel tồn tại từ thế kỷ XII và thành phố cổ Marrakech được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Bộ Văn hóa Morocco thông báo sẽ cấp ngân sách để khôi phục nhà thờ Tinmel nhưng chưa cung cấp thêm chi tiết.
Gửi phản hồi
In bài viết