Bác sĩ chuẩn bị một mũi tiêm vắc xin ngừa Covid-19 của Pfizer/BioNTech tại thành phố New York (Mỹ).
Theo AFP, hơn 5 tỷ liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được tiêm trên toàn cầu. Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ là 3 nước có số liều vắc xin được tiêm nhiều nhất hiện nay.
Tính theo đầu người trong số các quốc gia có trên 1 triệu dân, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) là nước dẫn đầu về tỷ lệ tiêm chủng khi đã tiêm 179 liều/100 dân, nghĩa là nước này đã tiêm chủng đầy đủ cho gần 75% dân số. Tiếp đó là Uruguay, Israel, Qatar, Singapore, Bahrain, Đan Mạch, Chile, Canada... Hầu hết các quốc gia này đã tiêm chủng đầy đủ cho 65-70% dân số. Một số nước cũng bắt đầu tiêm mũi tăng cường cho một số nhóm đối tượng đã được tiêm chủng đầy đủ.
Theo AFP, phần lớn các nước nghèo hơn đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng, chủ yếu dựa vào Cơ chế tiếp cận toàn cầu vắc xin ngừa Covid-19 (COVAX), song mức độ bao phủ vẫn còn khoảng cách lớn.
Châu Mỹ
Tiến sĩ Anthony Fauci - Giám đốc Viện Dị ứng và các bệnh truyền nhiễm quốc gia, đồng thời là bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm nhận định, nước này có thể kiểm soát được đại dịch Covid-19 và trở lại "bình thường" vào mùa xuân tới nếu phần lớn dân số được tiêm chủng. Hơn 400.000 người tại Mỹ được tiêm chủng mỗi ngày trong tháng 8.
Theo Reuters, tính đến ngày 24-8, đã có 202.041.893 người tại nước này được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin ngừa Covid-19 và 171.367.657 người đã được tiêm chủng đầy đủ.
Châu Âu
Ngày 24-8, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết đã phê chuẩn thêm các cơ sở sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 dựa trên công nghệ mRNA của hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), hãng Moderna (Mỹ). Đây là động thái nhằm thúc đẩy việc tăng sản lượng vắc xin, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 có xu hướng tăng trở lại tại châu Âu. Cụ thể, EMA đã phê chuẩn một cơ sở ở Pháp để sản xuất vắc xin của Pfizer/BioNTech và một nhà máy ở Mỹ để sản xuất vắc xin của Moderna. Các quyết định phê chuẩn này không cần Ủy ban châu Âu (EC) thông qua, do đó các cơ sở này có thể tiến hành ngay việc sản xuất vắc xin ngừa Covid-19.
Ngày 24-8, Anh đã ghi nhận 174 ca tử vong do Covid-19, số ca tử vong theo ngày cao nhất kể từ ngày 12-3. Số liệu tăng cao một phần là do việc báo cáo và ghi nhận dồn lại trong dịp cuối tuần. Số ca tử vong hằng ngày tại Anh có xu hướng tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình 1.000 ca/ngày trong giai đoạn đỉnh dịch.
Hơn 1.000 người tham dự lễ hội âm nhạc Latitude ở Anh vào tháng trước đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Lễ hội kéo dài từ ngày 22 đến 25-7 với sự tham dự của khoảng 40.000 người. Những người tham gia phải xuất trình bằng chứng về kết quả xét nghiệm Covid-19 âm tính hoặc đã được tiêm chủng đầy đủ vắc xin để được vào địa điểm tổ chức tại Công viên Henham ở hạt Suffolk. Dữ liệu do Hội đồng hạt Suffolk công bố cho thấy 1.051 người đã có kết quả xét nghiệm dương tính trong những ngày sau sự kiện này.
Chính phủ Hy Lạp thông báo kể từ tháng tới, những người chưa tiêm vắc xin ngừa Covid-19 sẽ không được tới tất cả các quán ăn trong nhà, quán bar, câu lạc bộ và địa điểm vui chơi giải trí. Lệnh cấm này nằm trong số các biện pháp nghiêm ngặt được Bộ Y tế nước này đưa ra trong bối cảnh đất nước đang phải đương đầu với làn sóng lây nhiễm thứ tư với sự gia tăng mạnh về số ca mắc và tử vong do Covid-19.
Châu Á
Ngày 24-8, chính phủ Ấn Độ cho biết vắc xin ngừa Covid-19 do hãng dược phẩm nội địa Gennova bào chế đã cho kết quả an toàn trong giai đoạn thử nghiệm đầu tiên. Đây là vắc xin ngừa Covid-19 đầu tiên sử dụng công nghệ mRNA được phát triển ở Ấn Độ.
Ngày 24-8, chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 có tính phí dành cho người nước ngoài. Loại vắc xin được sử dụng trong chương trình này là vắc xin của hãng Sinopharm (Trung Quốc). Đây là chương trình được tổ chức nhằm tạo điều kiện cho những người nước ngoài không thể tiêm chủng tại các đại sứ quán.
Cùng ngày, Brunei đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong do Covid-19. Đây là những trường hợp tử vong đầu tiên do Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này trong vòng hơn 1 năm qua, trong bối cảnh nước này đang phải ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới. Trước đó, lần cuối cùng Brunei ghi nhận ca tử vong do Covid-19 là vào tháng 6-2020.
Châu Phi
Giới chức y tế Nigeria cho biết, nước này đã phê duyệt vắc xin ngừa Covid-19 của hãng dược Sinopharm. Hiện Nigeria đã được phân bổ 7,7 triệu liều vắc xin thông qua COVAX. Quốc gia đông dân nhất châu Phi mới chỉ tiêm vắc xin cho một phần nhỏ trong tổng số 200 triệu dân, chủ yếu là do thiếu nguồn cung. Khoảng 2 triệu người, tương đương 1% dân số đã được tiêm 1 liều vắc xin ngừa Covid-19, và dưới 1 triệu người được tiêm chủng đầy đủ. Trong giai đoạn tiêm chủng đầu tiên, Nigeria sử dụng vắc xin của hãng AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) được phân phối thông qua COVAX. Sau đó, nước này nhận được các liều vắc xin của Moderna do Mỹ tài trợ và đang được sử dụng cho giai đoạn tiêm chủng thứ hai. Vắc xin của hãng Johnson&Johnson (Mỹ) do nước này mua thông qua chương trình của Liên minh châu Phi cũng dự kiến sẽ được sử dụng.
Gửi phản hồi
In bài viết