Mảnh đất linh thiêng, kỳ bí
Theo số liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay, toàn quốc có khoảng gần 300 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, chia ra trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 5 di sản. Nhưng riêng Tuyên Quang đã có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tông của người Tày; nghi lễ Cấp sắc và hát Páo dung của người Dao; kéo co truyền thống; hát Sình ca của người Cao Lan; hát Soọng cô của người Sán Dìu; lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La của thành phố Tuyên Quang; Lễ hội đình Thọ Vực, huyện Sơn Dương; Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao Đỏ. Đặc biệt, toàn tỉnh có tổng cộng trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 138 di tích quốc gia, trên 250 di tích cấp tỉnh.
Tuyên Quang được gọi là “bảo tàng cách mạng” của cả nước. Tiêu biểu như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Danh thắng Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Ngoài ra, tỉnh có hàng nghìn cổ vật, tư liệu quý; trong đó có bảo vật Quốc gia Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc ở xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa), có từ thời nhà Lý.
Lễ hội Lồng tông Chiêm Hóa thu hút khách du lịch vào dịp đầu xuân năm mới. Ảnh: Quang Hòa
Tuyên Quang còn có gần 70 di tích đền, chùa tọa lạc tại khắp các địa phương trong tỉnh. Các di tích này không chỉ nổi tiếng linh thiêng, mà còn có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa, với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, huyền bí. Điển hình như: Đền Hạ, đền Thượng, đền Mẫu, đền Ỷ La (TP Tuyên Quang); đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm Tự (Lâm Bình), đền Pác Tạ, Bắc Vãng (Na Hang), đền Bó Cuống, Bách Thần, đền Ngọc Hội, chùa Hòa Phú, Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa); đền Bắc Mục, Thác Con, Thác Cái (Hàm Yên); chùa Đại Bi, Phật Lâm (Yên Sơn); chùa Lang Đạo (Sơn Dương).
Trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể, tỉnh có 40 lễ hội đặc sắc. Trong đó có một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Lồng tông của đồng bào Tày (Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình); Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (Lâm Bình), Dao Đỏ Na Hang); Cao Lan (Yên Sơn); Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Tày, xã Tân Trào (Sơn Dương); Lễ hội Đình Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan (Yên Sơn); Lễ hội Động Tiên - Chợ quê (Hàm Yên); Lễ hội Đua thuyền trên sông Lô và lễ hội rước Mẫu (TP Tuyên Quang). Trong đó, Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội cấp tỉnh lớn nhất trong năm của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ở mảng văn hóa phi vật thể, do tỉnh có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống nên phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nhạc cụ, các bài thuốc dân gian vô cùng phong phú, đa dạng. Kho tàng dân ca, dân vũ như làn điệu Then, Cọi, Quan làng, Páo dung, Sình ca, Soọng cô phát triển khá mạnh.
Chúng ta có thể thấy mảnh đất Tuyên Quang hiện hữu với bức tranh văn hóa đa sắc màu, phong phú, ấn tượng. Đồng chí Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, nhận thấy ý nghĩa của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, ngành Văn hóa tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh khôi phục, lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc thông qua việc tổ chức, phục dựng những lễ hội; bảo tồn, khôi phục những làn điệu dân ca của địa phương. Nhờ vậy, nhiều phong tục, tập quán, văn hóa đặc sắc được khôi phục, trở thành món ăn tinh thần độc đáo của người dân, du khách trong nước và Quốc tế.
Biến di sản thành tài sản
Ngày Câu lạc bộ giữ gìn bản sắc người Dao xã Trung Hà (Chiêm Hóa) ra mắt, người dân ở nơi đây đón chào như một sự kiện quan trọng, ý nghĩa nhất. Bởi sau bao năm lãng quên, những nét văn hóa như thêu thùa, chấm váy in hoa văn bằng sáp ong, lễ cấp sắc, chữ viết, tiếng nói… được phục hồi, bản sắc người Dao được “sống lại” tại bản làng. Thế nhưng, chuyện vui không dừng lại đó! Từ những nét văn hóa đặc sắc và sự hoang sơ, kỳ bí của khung cảnh thiên nhiên bản địa, nơi đây đã trở thành điểm hẹn du lịch của du khách gần xa đến khám phá.
Có thể thấy rằng, cái bắt tay giữa văn hóa và du lịch đã tạo nên được hiệu ứng tích cực cho nhiều địa phương ở Tuyên Quang. Cách làm này được coi là một mũi tên trúng hai đích, vừa bảo tồn bản sắc văn hóa tốt đẹp, vừa phát triển du lịch một cách hài hòa, ổn định nhất.
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình). Ảnh: Cao Huy
Nhờ có bước đi sớm, quyết đoán mà nhiều di sản văn hóa phi vật thể xứ Tuyên được phục dựng, bảo tồn, phát huy tốt, phục vụ đắc lực cho chiến lược phát triển du lịch. Điển hình như các lễ hội truyền thống của dân tộc được phục dựng tổ chức hàng năm như: Lễ hội Lồng tông của dân tộc Tày, lễ Cấp sắc và lễ Cầu mùa của dân tộc Dao, Lễ hội Nhảy lửa người Pà Thẻn… Không chỉ diễn ra ở quy mô cấp huyện mà tại các xã, lễ hội cũng được tổ chức hàng năm như Lễ hội Lồng tông Bản Cuống, xã Minh Quang (Chiêm Hóa), Lễ hội Cầu mùa xã Tân Trào (Sơn Dương), Lễ hội Đình làng Giếng Tanh, xã Kim Phú (Tuyên Quang)… Đây là những điểm hẹn quen thuộc đối với du khách thập phương vào dịp đầu năm mới.
Tại các địa phương như Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Sơn Dương… chưa bao giờ du lịch homestay lại phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Toàn tỉnh hiện có khoảng 120 homestay tính riêng Na Hang, Lâm Bình có 80 homestay. Theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 200 câu lạc bộ đàn hát dân ca và bảo tồn văn hóa dân tộc, 70 câu lạc bộ hát Then - đàn Tính, 6 câu lạc bộ hát Páo dung của dân tộc Dao, 13 câu lạc bộ hát Sình ca của người Cao Lan, 50 câu lạc bộ sử dụng, giữ gìn tiếng nói dân tộc...
Xã Hồng Quang (Lâm Bình) được biết đến với sự huyền bí của nghi lễ nhảy lửa. Nhờ sự độc đáo, kỳ bí của nghi lễ mà thường vào dịp đầu xuân năm mới, huyện Lâm Bình tổ chức Lễ hội Lồng tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc đều đưa nghi lễ nhảy lửa vào trình diễn, quảng bá đến công chúng, thu hút hàng nghìn lượt khách du lịch tham gia. Thế nhưng hiện nay, không chỉ chờ xem nhảy lửa trong các lễ hội, mà các nhiếp ảnh gia, du khách có thể xem nhảy lửa bất cứ lúc nào. Chỉ cần nhấc điện thoại lên đặt lịch, dịch vụ nhảy lửa tại thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang sẽ phục vụ chu đáo. Giá cũng phải chăng, từ 3 - 5 triệu đồng tùy vào quy mô, thời lượng nhảy. Nếu đoàn đông người xem, chụp ảnh thì chi phí càng rẻ.
Đồng chí Phù Đức Lâm, Chủ tịch UBND xã Hồng Quang (Lâm Bình)khẳng định, từ ngày khôi phục nghi lễ nhảy lửa, cuộc sống của bà con vui và ý nghĩa hơn. Một số đoàn khách du lịch đã đến thôn Thượng Minh thuê nhà ở homestay để chụp, xem nhảy lửa. Không chỉ chụp ảnh nhảy lửa mà du khách còn lưu lại hình ảnh sinh hoạt của người dân qua ống kính, như: Phụ nữ Pà Thẻn dệt vải bên khung cửi, thiếu nữ Pà Thẻn trong trang phục truyền thống...
Với những bước đi đó đã dần thay đổi tư duy của người dân trong bảo tồn văn hóa một cách quy củ để phát triển du lịch bền vững, từng bước biến các di sản trở thành nguồn lực để làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Gửi phản hồi
In bài viết