Hợp tác xã “hai trong một”

- Phát triển mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch cộng đồng đang là xu hướng tích cực được chính quyền và người dân quan tâm. Việc khai thác được lợi thế của nhau đang giúp phát huy tối đa các điều kiện sẵn có của vùng nông thôn và nâng cao đời sống người dân.

Khai thác lợi thế địa phương

Hợp tác xã Homestay 99 ngọn núi của anh Hỏa Văn Ba, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) được Liên minh Hợp tác xã tỉnh giới thiệu như một điển hình thành công trong việc kết hợp giữa nông nghiệp và hoạt động du lịch. Đây cũng là Hợp tác xã có sản phẩm riêng biệt là Homestay được chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao, đang hoàn thành các thủ tục nâng hạng 5 sao.

Giám đốc Hỏa Văn Ba chia sẻ: Để có được sự đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP 4 sao như thế là điểm du lịch Homestay 99 ngọn núi đã trải qua một quá trình tự thay đổi rất ngoạn mục. Từ một cơ sở tư nhân kinh doanh dịch vụ nghỉ dưỡng tự phát, Homestay 99 ngọn núi đã chuyển đổi thành mô hình tổ hợp tác, để rồi mới đây, tháng 7/2023, đã trở thành hợp tác xã. 

Ngoài hoạt động chính là dịch vụ lưu trú, thuyền bè, Hợp tác xã Homestay 99 ngọn núi liên kết với các hộ dân xung quanh trồng rau rừng, nuôi lợn gà đồi để phục vụ nhu cầu của du khách. Đồng thời liên kết với các hợp tác xã trong khu vực như Hợp tác xã thổ cẩm Lâm Bình, Hợp tác xã phát triển cá nước lạnh và dịch vụ Ai Au Retreat… xây dựng các sản phẩm du lịch trải nghiệm hấp dẫn.

Khách du lịch trải nghiệm vườn chè tại Hợp tác xã Chè Sử Anh.

Bình quân mỗi năm, Hợp tác xã phục vụ khoảng 3.000 lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Thu nhập cho các hộ thành viên đạt trung bình trên 20 triệu đồng/tháng.

Giám đốc Hỏa Văn Ba cho biết: Hiện Hợp tác xã đang tiếp tục mở rộng thành viên. Đồng thời, mở rộng thêm các sản phẩm hấp dẫn hơn như tắm lá thuốc phòng khép kín, bể bơi, vườn hoa, xe điện, thuyền kayak.

Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, mô hình hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch tại các tỉnh miền núi phía Bắc phát triển nhanh và hiệu quả. Nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, sau quá trình chuyển đổi và thành lập mới, đã bắt nhịp với xu hướng này. Trên địa bàn tỉnh hiện đã hình thành một số mô hình được đánh giá là hiệu quả.

Ngoài Hợp tác xã Homestay 99 ngọn núi, một số hợp tác xã khác như Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) chế biến chè Shan gắn với dịch vụ du lịch; Hợp tác xã du lịch dịch vụ Tâm Hương, xã Thanh Tương (Na Hang) sản xuất nông sản sạch gắn với du lịch; Hợp tác xã chè Sử Anh, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) với hoạt động chế biến chè sạch và trải nghiệm vườn chè…

Ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang) cho biết: Khi Hồng Thái phát triển mạnh về du lịch và trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của Na Hang, Hợp tác xã quyết định mở rộng thêm dịch vụ trải nghiệm thu hái chè Shan và check-in cho khách du lịch. Hợp tác xã cũng kết nối với các Homestay trên địa bàn để “kéo” khách đến trải nghiệm, đồng thời gửi bán sản phẩm. Theo ông Phố, nhờ cách làm này mà sản phẩm chè Shan bán được tăng khoảng 30% so với kênh bán hàng truyền thống trước đây.

Tuy  nhiên, cũng cần nhìn nhận thực tế hiện nay, hoạt động du lịch trong các Hợp tác xã chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch, thiếu sự gắn kết với tour du lịch nên chưa thu hút được nhiều khách du lịch.

Theo Liên minh Hợp tác xã tỉnh, hiện đơn vị đang tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn về đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hoạt động du lịch tại các Hợp tác xã nông nghiệp, nông thôn.

Cùng với đó là tổ chức các buổi đối thoại, cùng tháo gỡ khó khăn về thể chế, chính sách, cơ chế phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn trong quản lý nhà nước, trong kinh doanh du lịch nông nghiệp. Qua đó, nâng cao nhận thức về phát triển nguồn nhân lực du lịch nông nghiệp, nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác xã kinh doanh du lịch và được trang bị năng lực “làm” du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Bài, ảnh: Nguyễn Đạt

Tin cùng chuyên mục