Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn chủ trì cuộc họp. Ảnh: Việt Hòa.
Quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm
Phát biểu khai mạc kỳ họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh 3 vấn đề trọng tâm cần các ngành, các địa phương tập trung cao độ thực hiện ngay là: Tập trung cao độ thực hiện thu, chi ngân sách của năm 2022, thực hiên cao điểm giải ngân vốn đầu tư công trong 10 ngày cuối năm 2022 và 20 ngày trong tháng 1-2023 để hạn chế chuyển nguồn sang năm sau; tổ chức tổng kết năm gọn nhẹ, ưu tiên tổ chức trực tuyến để có thời gian giải quyết công việc; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023.
Theo đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu, các ngành, địa phương coi việc thu, chi ngân sách, giải ngân vốn đầu tư là việc trọng yếu, đặc biệt quan trọng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. Ngành Thuế bám sát nhiệm vụ, phối hợp với các ngành, huyện, thành phố tháo gỡ mọi vướng mắc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ năm 2022. Các ngành, huyện, thành phố tập trung rà soát lại các nội dung thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 18/11/2022 của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết Quý Mão năm 2023, lưu ý đặc biệt đến công tác an sinh xã hội, quan tâm đến người có công, gia đình chính sách, hộ nghèo, để không ai không có Tết. Đồng thời chú trọng đến sản xuất nông, lâm nghiệp, quan tâm đến khung thời vụ; tuyệt đối không sử dụng ngân sách, tài sản công, tặng quà cấp trên trong dịp Tết; tổ chức các hoạt động vui chơi an toàn, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đảm bảo công tác an ninh, trật tự…
Các đại biểu dự phiên họp. Ảnh: Việt Hòa.
Đảm bảo mục tiêu chuyển đổi số
Dự thảo Kế hoạch chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh năm 2023 tập trung vào các nội dung, nhiệm vụ: Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và người dân; xây dựng chính sách về chuyển đổi số, phát triển hạ tầng số, xây dựng, triển khai nền tảng và ứng dụng số dùng chung cho toàn tỉnh; xây dựng và triển khai nền tảng phần mềm nghiệp vụ và kho dữ liệu chuyên ngành; đảm bảo an ninh mạng.
Mục tiêu năm 2023, tỉnh phấn đấu nâng Chỉ số đánh giá chuyển đổi số tỉnh Tuyên Quang xếp trong tốp 35 tỉnh với những việc cụ thể sau: Xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC); duy trì hệ thống giám sát an toàn an ninh thông tin 4 cấp cho các hệ thống dùng chung của tỉnh; giải pháp phòng chống mã độc cho máy vi tính của các cơ quan Nhà nước tỉnh Tuyên Quang.
Đồng thời tiếp tục xây dựng nền tảng chính quyền số, mở rộng kho dữ liệu dùng chung, trục kết nối dữ liệu (LGSP), cổng cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Tuyên Quang; nền tảng chính quyền số trên thiết bị thông minh (Mobile App), đảm bảo 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, cấp độ 4 chạy trên nền tảng di động.
Lãnh đạo Sở Tài chính báo cáo kết quả thu ngân sách năm 2022. Ảnh: Việt Hòa.
Tỉnh duy trì hệ thống chấm điểm đánh giá về chuyển đổi số cho các cơ quan, đơn vị quản lý Nhà nước từ cấp tỉnh tới cấp xã; hệ thống Cổng Dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử các cơ quan Nhà nước tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022-2023; thuê tập trung hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành cho các cơ quan Nhà nước trên toàn tỉnh. Tỉnh tiếp tục xây dựng kiến trúc đô thị thông minh tỉnh Tuyên Quang, phiên bản 1.0; cơ sở dữ liệu quản lý thi đua - khen thưởng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang; tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ cho chính quyền điện tử, chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Kết luận về dự thảo chuyển đổi số, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn nhấn mạnh, chuyển đổi số có tầm quan trọng lớn đối với sự phát triển mọi mặt của tỉnh. Vì thế các ngành, địa phương phải quyết liệt trong thực hiện để không tụt hậu và theo kịp sự phát triển của đất nước, thế giới.
UBND tỉnh giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025 đảm bảo đáp ứng cơ bản phục vụ mục tiêu chuyển đổi số; tham vấn ý kiến của các chuyên gia đầu ngành, của Bộ Thông tin và Truyền thông để xây dựng kế hoạch hoàn chỉnh hợp lý, xác định lộ trình, ưu tiên cho từng nhiệm vụ cụ thể. Việc sử dụng nguồn lực cần đảm bảo hiệu quả, tránh lãng phí và theo đúng quy định của pháp luật. Mỗi sở, ngành cần tập trung thực hiện công tác chuyển đổi số của ngành mình, tranh thủ các nguồn lực để chuyển đổi số.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Việt Phương phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Việt Hòa.
Không để gia đình người có công nghèo
Theo dự thảo Kế hoạch hỗ trợ hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng thoát nghèo, hiện toàn tỉnh có 163 hộ người có công là hộ nghèo. Trong đó, 36 hộ nghèo không có lao động, 22 hộ nghèo do không có kiến thức sản xuất, 15 hộ nghèo do không có vốn sản xuất, 4 hộ nghèo do không có kỹ năng lao động, 3 hộ nghèo do không có nông cụ, phương tiện sản xuất, 3 hộ nghèo do thiếu đất sản xuất.
Mục tiêu tỉnh phấn đấu hết năm 2023 hỗ trợ cho hộ có công thoát nghèo. Các ngành đã thảo luận về các giải pháp cụ thể. Về vấn đề này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đồng tình với dự thảo kế hoạch của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội thành lập các tổ công tác hỗ trợ các hộ người có công thoát nghèo, các phương án hỗ trợ. UBND tỉnh sẽ ban hành kế hoạch này sớm để tổ chức thực hiện, hỗ trợ các hộ gia đình người có công thoát nghèo.
Tiếp tục thực hiện chính sách cho đồng bào di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang
Công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Tuyên Quang luôn được tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Theo đó, tại nơi ở mới các hộ tái định cư đã ổn định cuộc sống, được giao đủ đất ở theo quy định, bình quân 301 m2/hộ; đất sản xuất bình quân 543 m2 đất lúa/khẩu sản xuất nông nghiệp và 0,81 ha đất rừng sản xuất/hộ nông nghiệp; hỗ trợ khuyến nông, lâm nghiệp, hỗ trợ khai hoang đồng ruộng, hỗ trợ xây dựng 4.283 hầm biogas, nhà vệ sinh; hỗ trợ đào tạo nghề, việc làm cho 996 lao động. Cùng với đó, toàn tỉnh đã đầu tư hoàn thiện 1.587 công trình hạ tầng; đang triển khai thi công 81 công trình thiết yếu phục vụ trực tiếp đời sống, sản xuất của người dân tái định cư.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn kết luận cuộc họp. Ảnh: Việt Hòa.
Hệ thống chính trị tại các điểm tái định cư được củng cố, kiện toàn, bố trí, sắp xếp công việc cho lực lượng cán bộ công chức, viên chức vùng lòng hồ về công tác tại nơi ở mới; đời sống, văn hóa, xã hội được cải thiện rõ rệt so với nơi ở cũ, người dân được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ giáo dục, y tế… Đến nay, 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 99% hộ được sử dụng nước sinh hoạt đạt vệ sinh; 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường.
Các đại biểu đã thảo luận một số khó khăn, vướng mắc, tồn tại của công tác di dân tái định cư. Kết luận về công tác này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu: Những việc đã thực hiện thì bố trí, xem xét quyết toán, những việc đang thực hiện phải tháo gỡ khó khăn để đầu tư hiệu quả; từng bước giải quyết các vướng mắc người dân kiến nghị. UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương thực hiện tích cực các chính sách di dân tái định cư. Ban Di dân tái định cư thủy điện Tuyên Quang tham mưu cụ thể cho UBND tỉnh giải quyết từng nhiệm vụ còn tồn tại.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, thẩm định 8 đề án, kế hoạch, đề nghị quan trọng như: Đề nghị xây dựng Nghị quyết của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 15/12/2021 của HĐND tỉnh Tuyên Quang ban hành Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản thu giữa ngân sách tỉnh, ngân sách huyện, thành phố và ngân sách xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2022-2025; thẩm định Đề án sáp nhập, giải thể Hạt Quản lý giao thông huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên, Yên Sơn, Sơn Dương; xem xét các quyết định, quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh…
Gửi phản hồi
In bài viết