Hưng Yên đẩy mạnh phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông

Trong thời gian qua, tỉnh Hưng Yên luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp viễn thông đầu tư xây dựng, nâng cấp hạ tầng thông tin, viễn thông, phát triển mạng lưới, ứng dụng công nghệ mới, hiện đại; đẩy mạnh triển khai cung cấp dịch vụ… đã góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh Hưng Yên phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tỉnh Hưng Yên hiện có sáu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông: VNPT Hưng Yên, Mobifone Hưng Yên, Viettel Hưng Yên, Công ty cổ phần Viễn thông FPT, Công ty cổ phần viễn thông Hà Nội, Công ty cổ phần viễn thông toàn cầu (Gtel Mobile).

Doanh nghiệp viễn thông đã đầu tư xây dựng hệ thống mạng truyền dẫn liên tỉnh trên địa bàn tỉnh Hưng Yên với chiều dài tuyến hơn 500km, sử dụng phương thức truyền dẫn cáp quang; sử dụng công nghệ truyền dẫn SDH, DWDM, dung lượng được mở rộng trên 500Gbps, bảo đảm thực hiện kết nối liên tỉnh cho mạng viễn thông cố định của tỉnh Hưng Yên, mạng di động, đường truyền internet băng rộng, tín hiệu truyền hình…; gồm các tuyến: Hưng Yên-Hà Nội, Hưng Yên-Bắc Ninh, Hưng Yên-Hải Dương, Hưng Yên-Thái Bình, Hưng Yên-Hà Nam.

Đồng thời, 100% các tuyến truyền dẫn nội tỉnh Hưng Yên sử dụng phương thức truyền dẫn cáp quang. Mạng quang nội tỉnh đến các trung tâm huyện sử dụng công nghệ SDH với tốc độ truyền dẫn từ 40Gbps-100Gbps và sử dụng nhiều thiết bị vô tuyến như: Pasolink 7G/15G… Các tuyến cáp quang đến xã sử dụng các công nghệ SDH với tốc độ truyền dẫn từ 1Gbps-10Gbps, bảo đảm nhu cầu sử dụng các dịch vụ internet băng rộng của người dân.

Hệ thống mạng thông tin di động có khoảng 1.121 vị trí cột thu phát sóng, bán kính phục vụ 0,5km/cột. Các nhà mạng di động đã phủ sóng di động 2G/3G/4G đến 100% các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; có trên 95% số trạm được lắp đặt thiết bị BTS công nghệ 3G, 4G. Tỷ lệ phủ sóng thông tin di động 3G, 4G đã đạt 100% xã, thị trấn trên toàn tỉnh. Tỷ lệ phủ sóng di động 2G, 3G theo dân số đạt 100%. Tỷ lệ phủ sóng 4G đạt 98,01% và thành phố Hưng Yên đã triển khai lắp đặt, phát sóng năm trạm thông tin di động 5G của Viettel Hưng Yên.

Hạ tầng viễn thông được đầu tư hiện đại, dịch vụ internet được mở rộng khắp các địa bàn trên toàn tỉnh, thuê bao tnternet phát triển rất nhanh, đặc biệt là thuê bao băng rộng di động 3G, 4G. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên có khoảng 1.267.000 thuê bao internet.

Trong đó thuê bao internet băng rộng cố định là 284.000 thuê bao, băng rộng di động là 983.000 thuê bao. Tỷ lệ người dân sử dụng internet đạt 78%; tỷ lệ hộ gia đình có kết nối băng rộng cố định đạt 71%. Tổng số thuê bao điện thoại di động 1.470.000 thuê bao; thuê bao điện thoại di động sử dụng smartphone/100 dân đạt 96%; tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng smartphone đạt 70%.

100% các thôn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đều đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ điện thoại và dịch vụ truy nhập internet. Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã; internet di động băng rộng phủ sóng 100% địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh.

100% cơ quan, đơn vị hành chính của tỉnh Hưng Yên có hệ thống mạng nội bộ (LAN), kết nối internet băng thông rộng, đường truyền dữ liệu chuyên dùng. Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong các cơ quan Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã được triển khai tại 100% các cơ quan, đơn vị cả ba cấp từ tỉnh, huyện, xã với 200 điểm kết nối.

Tỷ lệ máy tính/cán bộ, công chức cấp tỉnh, huyện đạt 100%; cấp xã đạt khoảng 80%, tỷ lệ máy tính kết nối internet băng thông rộng đạt 100%; tỷ lệ dịch vụ hành chính công được cung cấp trên mạng internet đạt 100%. Tỉnh Hưng Yên đã đưa vào vận hành, khai thác hệ thống camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng viễn thông đã phục vụ hiệu quả phát triển kinh tế số. Công nghệ số được ứng dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp, y tế, giáo dục và các loại hình dịch vụ, như: thương mại điện tử, thanh toán ngân hàng, điện, nước, viễn thông... Đồng thời, nâng cao khả năng tiếp cận về công nghệ thông tin và tiếp cận về các dịch vụ y tế, giáo dục thông minh của người dân và doanh nghiệp.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hưng Yên, Đỗ Đình Quang cho biết, để ngành viễn thông tiếp tục phát triển nhanh, mạnh, phục vụ hiệu quả cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn với chuyển đổi số, tỉnh Hưng Yên đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp: Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành xây dựng nền tảng, các mục tiêu của chính quyền điện tử và chuyển đổi số ở một số lĩnh vực quan trọng trên cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Ưu tiên đẩy nhanh chuyển đổi số ở một số lĩnh vực: nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế, giao thông, công nghiệp, tài nguyên và môi trường. Xây dựng và nâng cấp tuyến truyền dẫn quang liên tỉnh và tuyến truyền dẫn quang nội tỉnh bảo đảm dung lượng cao, kết nối liên huyện, liên vùng, đặc biệt trục thành phố Hưng Yên, phục vụ nhu cầu phát triển các dịch vụ băng rộng, tốc độ và chất lượng cao. Phát triển cáp quang băng rộng đến 100% thôn/khu/xóm trên địa bàn tỉnh Hưng Yên.

Đến năm 2030, hạ tầng thông tin và truyền thông tỉnh Hưng Yên cơ bản đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phát triển ổn định và thịnh vượng, thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng đô thị thông minh được áp dụng vào hoạt động quản lý, điều hành của chính quyền, đáp ứng phương thức sống mới, phương thức làm việc mới trong một môi trường số an toàn, rộng khắp.

Tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 đích đến là sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Tương tác với người dân nhiều hơn, triển khai xây dựng đô thị thông minh, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số từ cấp thấp nhất là cấp xã, phấn đấu mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình một đường cáp quang internet, mỗi hộ gia đình một địa chỉ số. Hoàn thiện hạ tầng 4G, phát triển hạ tầng 5G tại các khu công nghiệp để hỗ trợ sản xuất thông minh nhằm đón các làn sóng đầu tư mới vào tỉnh.

Kinh tế số trở thành phương thức cốt lõi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; là nền tảng động lực để phát triển tỉnh Hưng Yên, giúp các ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân triển khai thực hiện các hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao, nâng cao đời sống xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Hưng Yên thuộc 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về chuyển đổi số.

Theo Báo Nhandan

Tin cùng chuyên mục