Mưa lớn liên tiếp kèm theo gió lốc trong các ngày 12, 13-5 vừa qua đã làm làm ít nhất 97 nhà dân ở các huyện Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên và Sơn Dương hư hỏng, tốc mái; gần 100 ha lúa, cây màu, cây công nghiệp, cây ăn quả bị đổ gẫy cùng nhiều các công trình nhà văn hóa, đường điện, trường học bị sét đánh hư hỏng nặng. Trận mưa kèm dông, lốc ngày 26-4 cũng đã làm 50 nhà dân bị hư hỏng, trong đó sập 2 nhà; trên 270 ha lúa, ngô, rau màu bị ảnh hưởng. Thiệt hại do thiên tai gây ra cho các địa phương là rất lớn, tính riêng từ đầu năm đến nay con số thiệt hại ước đến vài tỷ đồng.
Dự báo của Trung tâm Khí tượng và Thủy văn quốc gia, tác động xấu của biến đổi khí hậu, nhiều loại hình thiên tai sẽ tiếp tục xuất hiện với tần suất dày hơn và cường độ mạnh hơn, đặc biệt là loại hình thiên tai mưa lớn, dông lốc, sạt lở đất, đá. Phòng, chống thiên tai hiệu quả, bền vững, tỉnh đã và đang thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm hướng tới một xã hội an toàn trước thiên tai.
Cán bộ, người dân xã Đông Thọ (Sơn Dương) diễn tập phòng chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên sông Lô.
Nhiệm vụ lớn nhất là bảo vệ an toàn tính mạng của người dân, các huyện, thành phố đã tập trung kiểm tra, rà soát các khu vực xung yếu có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất thực hiện di dời người dân đến nơi an toàn. Thông tin từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, (đơn vị được giao nhiệm vụ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư tỉnh) trong giai đoạn 2015 - 2020, bằng nguồn vốn của Trung ương, tỉnh đã hỗ trợ di dời 559 hộ ra khỏi vùng nguy hiểm bằng hình thức xen ghép và ổn định tại chỗ.
Gia đình ông Ngô Văn Thuận, thôn 1 Thái Bình, xã Thái Sơn (Hàm Yên) vừa xây được ngôi nhà xây cấp 4 ở nơi ở mới. Khoe với chúng tôi, ông Thuận bảo, trước sống dưới chân đồi canh cánh nỗi lo mỗi khi mưa bão về, nước ngập vào tận nhà. Năm 2018, ông được Nhà nước hỗ trợ, anh em bạn bè, giúp đỡ di dời nhà đến nơi an toàn hơn. Theo ông Thuận, dù cuộc sống còn nhiều vất vả nhưng về nơi ở mới an toàn, ông yên tâm làm ăn, không phải sống trong lo âu, thấp thỏm khi mưa bão đến.
Đồng chí Lê Hải Nam, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh khẳng định, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh sẽ bố trí ổn định nơi ở cho 1.959 hộ, trong đó, ổn định tập trung 311 hộ; xen ghép 694 hộ, tổng kinh phí thực hiện là trên 872 tỷ đồng.
Hỗ trợ di dời các hộ dân đến nơi an toàn, tỉnh cũng đã lắp đặt trạm đo mưa tự động và hệ thống cảnh báo sớm thiên tai vào hệ thống thông tin chung của tỉnh, đồng thời tiến hành sửa chữa, xây dựng công trình phòng, chống thiên tai. Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương tổ chức diễn tập phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với sự tham gia của các lực lượng cho phù hợp. Tỉnh cũng chỉ đạo ngành Giao thông - vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, rà soát và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình giao thông, thủy lợi, đặc biệt là các công trình đang có sự cố, đang thi công, hồ chứa đã tích đầy nước, cầu, ngầm, tràn, đê, kè, cống dưới đê; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đó là giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài cũng được tỉnh thực hiện hiệu quả là tập trung trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ của rừng ngăn ngừa, kiểm soát chủ động các loại hình thiên tai có thể xảy ra.
Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bùi Chí Thanh cho rằng, cùng với sự vào cuộc của tỉnh, ngành chuyên môn, người dân cần chủ động theo dõi các bản tin dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai để chủ động các biện pháp ứng phó; xây dựng, gia cố nhà ở, có kế hoạch sản xuất hợp lý... Có như vậy mới xây dựng được một xã hội an toàn trước thiên tai.
Gửi phản hồi
In bài viết