Quang cảnh hội thảo.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện nhấn mạnh, với những tiềm năng, cơ hội nổi trội, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh phát huy ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, đã đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực.
Kinh tế phát triển mạnh, tốc độ tăng trưởng cao và ổn định, liên tục 8 năm liền tăng hơn 10%. Quy mô nền kinh tế năm 2023 ước đạt 312.000 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt 9.400 USD, cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội được đầu tư hoàn thiện, đời sống nhân dân nâng cao.
Quảng Ninh là tỉnh tiên phong sang Nhật Bản học tập và đưa Phong trào OVOP (mỗi làng một sản phẩm) về Quảng Ninh, xây dựng thành chương trình kinh tế nông thôn OCOP (mỗi xã một sản phẩm), được Trung ương đánh giá và nhân rộng thành chương trình Quốc gia OCOP. Quảng Ninh cũng có nhiều chương trình hợp tác nông nghiệp với các tỉnh của Nhật Bản và thành phố thuộc tỉnh Hokkaido.
Với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, đóng góp vào mục tiêu chung phát triển nông thôn văn minh, qua hội thảo lần này, tỉnh Quảng Ninh đề xuất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Bộ Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản Nhật Bản có thể coi Quảng Ninh là trung tâm hợp tác về nuôi trồng thủy sản, chế biến nông, lâm, thủy sản phục vụ xuất khẩu, từ đó, trở thành hợp tác mẫu mực 2 bộ của hai quốc gia Nhật Bản-Việt Nam.
Phát biểu định hướng chiến lược tại hội thảo, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: Việt Nam và Nhật Bản đã thiết lập quan hệ ngoại giao tròn nửa thế kỷ. Nông nghiệp của 2 nước có nhiều điểm tương đồng. Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một mô hình mẫu để học tập. Hợp tác nông nghiệp giữa 2 nước thời gian qua đã đóng góp có ý nghĩa vào phát triển nền nông nghiệp Việt Nam.
Hiện tại, Nhật Bản đang đồng hành hỗ trợ Việt Nam thực hiện chiến lược ngành nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thông qua quá trình thay đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp” để đạt được mục tiêu nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân thông minh.
Thời gian tới, nông nghiệp Việt Nam cần định vị rõ vai trò nguồn nhân lực trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; chuyển đổi tư duy, tiếp cận mới hơn, khác hơn trong xu thế toàn cầu hóa, tri thức hóa, công nghệ hóa, xanh hóa; hoàn thiện quy trình sản xuất, đồng bộ và hệ thống từ tư duy đến hành động; đồng thời kỳ vọng chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững sẽ được truyền thông lan tỏa để định vị đúng vai trò, vị trí, sứ mệnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả của Quảng Ninh và Nhật Bản đã chia sẻ những thông tin hữu ích, cụ thể, thiết thực về tiềm năng thế mạnh ngành nông nghiệp Quảng Ninh, biện pháp cải thiện ngành chế biến thủy sản Quảng Ninh, tương lai của ngành thủy sản Hokkaido, mô hình liên kết nông nghiệp-phúc lợi, định hướng hợp tác của JICA trong thời gian tới.
Gửi phản hồi
In bài viết